Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Nông sản đồng loạt rớt giá

Chưa năm nào trái cây lại nhiều và rẻ như năm nay. Khắp các chợ và trên một số tuyến ở TP.HCM các loại trái cây như vải, thănh long, chôm chôm, măng cụt, bơ… được bán tràn ngập bên lề đường với giá khá bèo. Theo phản ánh của tiểu thương, năm nay trái cây ngon và đẹp, giá lại rẻ nhưng sức tiêu thụ chưa cao.

 Nông sản đồng loạt rớt giá
Rớt giá thảm...
 
Khảo sát tại một số chợ như Bình Triệu (Thủ Đức), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Nguyễn Văn Trỗi (Q.3)… trong mấy ngày gần đây cho thấy, giá nhiều loại trái cây đã giảm 1/2 so với giữa tháng 6. Trong số các loại trái cây, thanh long rớt giá mạnh nhất. 
Không chỉ được bày bán ngập chợ, thanh long ruột trắng còn được chất lên xe đẩy hoặc đổ ra bày bán dọc lề đường Cộng Hòa, Quốc lộ 1A, Suối Tiên... với giá rất rẻ, chỉ 10.000 đồng/3kg (giảm 5.000-7.000 đồng/kg). 
Đặc biệt, thanh long ruột đỏ, loại trái cây thường xuất khẩu là nhiều, bán ra thị trường trong nước với số lượng ít ỏi thì nay cũng ngập các chợ. Trước đây, loại trái cây này có giá bán từ 35.000-40.000 đồng/kg, giờ còn 12.000-150.000 đồng/kg. 
Vải, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, xoài… cũng được bày bán rất nhiều tại với mức giá giảm từ 30-50% so với đầu vụ. Hiện vải thiều giá từ 18.000-25.000 đồng/kg, chôm chôm Thái từ 18.000-20.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn 20.000-25.000 đồng/kg, măng cụt 25.000-35.000 đồng/kg, sầu riêng 30.000-40.000 đồng/kg...
 
Chị Lệ Thị Vũ, tiểu thương bán trái cây trước cổng chợ Bình Triệu (Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Hơn 10 năm kinh doanh các mặt hàng trái cây, chưa năm nào trái cây ngon như năm nay và giá lại rất rẻ”.
 
Không chỉ trái cây, các mặt hàng nông sản như khoai lang, tôm, lúa... cũng rớt giá. Cụ thể, khoai trắng sữa chỉ 10.000 đồng/kg, khoai lang đỏ 12.000 đồng/kg. Giá lúa giảm còn 200-250 đồng/kg, điển hình là giống lúa IR 50404 (lúa tươi không bị đổ ngã) hiện thương lái mua từ 3.800-3.900 đồng/kg, lúa hạt dài 4.100-4.150 đồng/kg, giá tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg hiện giá chỉ còn 97.000 đồng/kg.
 
TS Võ Mai, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho hay, hầu hết 80% các loại cái cây của Việt Nam đều phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Đặc biệt thanh long, vải thiều và chuối là những sản phẩm được thị trường này tiêu thụ mạnh nhất. Vì vậy, chỉ cần Trung Quốc ngưng thu mua là nông sản, trái cây Việt Nam rớt giá thảm.
 
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “nông sản rớt giá vì dư thừa trong sản xuất, không quan tâm tới chất lượng, thiếu giám sát trong thực thi các chính sách ưu tiên nông nghiệp”.
 
Lời giải cho bài toán nâng giá nông sản
 
Trước thực trạng nông sản rớt giá gây thiệt hại cho bà con nông dân, Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp đã xúc tiến đưa thanh long, chôm chôm, bưởi, chuối, xoài, măng cụt, sầu riêng sang thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. 
Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu chưa cao do các thị trường này yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Bên cạnh đó, nhà vườn còn chạy theo thị trường, không theo quy hoạch và tuân thủ khuyến cáo của Nhà nước, nhà khoa học nên chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu.
 
TS Võ Mai chỉ ra giải pháp căn cơ là phải đầu tư mạnh cho ngành công nghiệp chế biến trái cây. “Chúng ta có quá ít sản phẩm chế biến nên thường xuyên phải chịu cảnh được mùa, rớt giá, đồng thời khó thâm nhập các thị trường khó tính do trái cây tươi khó có thể bảo quản được lâu và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh thực vật”, ông nói.
 
Bàn giải pháp khắc phục tình trạng trái cây dội chợ khi vào mùa, PGS.TS. Nguyễn Minh Châu từ Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam cho rằng, từ tháng 6 đến hết tháng 9, có 2 loại trái cây ở các tỉnh phía Bắc thu hoạch chính vụ là vải thiều và nhãn, các loại trái cây khác rất khó cạnh tranh nên sức mua giảm và giá thấp. Do đó, giải pháp rải vụ thu hoạch trái cây nói chung và 5 loại quả (xoài, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, thanh long) là cách làm khôn ngoan nhất trong điều kiện hiện nay.
 
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để giảm rủi ro, doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư xây dựng kho bảo quản, có chiến lược đa dạng hóa thị trường, khai thác các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, châu Phi... để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.