Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Tiêu chuẩn cho nông sản: Chọn mình hay chọn người?

(TBKTSG Online) - Định hướng sản xuất nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến khích là làm theo quy trình VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Trong khi đó, các nước nhập khẩu- đặc biệt là những thị trường khó tính- yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng theo tiêu chuẩn của họ (chẳng hạn như GlobalGap, ASC, BAP…). Vậy nên lựa chọn tiêu chuẩn nào cho sản xuất nông nghiệp khi sản phẩm làm ra chủ yếu để xuất khẩu?
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái của cả nước. Thống kê của Bộ NN&PTNT, cho thấy sản lượng lúa gạo được sản xuất hàng năm ở khu vực này đạt khoảng 25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng cả nước, trong đó có 90% sản lượng phục vụ cho xuất khẩu. Hàng năm, khu vực này cũng cung cấp khoảng 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và hơn 3 triệu tấn trái cây.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 6 tháng đầu năm 2014 đạt 14,88 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 20% GDP cả nước, trong đó, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ; thủy sản hơn 3,45 tỉ đô la Mỹ và rau quả khoảng 600 triệu đô la Mỹ.
Dù đóng góp một lượng lớn ngoại tệ cho đất nước nhưng sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu ở dạng thô, thị trường tiêu thụ là những quốc gia không có đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm.
Chẳng hạn, báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho thấy tính đến cuối tháng 6-2014, doanh nghiệp hội viên của đơn vị này đã xuất khẩu được khoảng 3 triệu tấn gạo, trị giá FOB đạt hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ, nhưng có đến 40% khối lượng được xuất sang Trung Quốc- thị trường không đòi hỏi cao về chất lượng.
Tương tự, hiện có khoảng 80-90% sản lượng khoai lang và khoảng 75% sản lượng thanh long ở ĐBSCL sản xuất ra được xuất thô bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Chọn tiêu chuẩn nào?
Như đã nêu ở trên, vì sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra chủ yếu phục vụ xuất khẩu, cho nên theo một số người trong cuộc, xây dựng tiêu chuẩn an toàn cho nông sản phải theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết các tiêu chuẩn an toàn của thế giới như: ASC, GlobalGap, BAP…- thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của các nước-  ít nhất cũng tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn VietGap của Việt Nam. “Doanh nghiệp đã được chứng nhận những tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGap, ASC hay BAP…), bây giờ lùi lại một bước để làm VietGap thì sẽ tốn phí, tốn thời gian, tốn người”, ông cho biết.
Trong khi đó, bên lề một hội nghị được tổ chức gần đây tại Cần Thơ, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng nền tảng và quy định phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là VietGap. “Đây là tiêu chuẩn do Việt Nam xây dựng, đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp”, ông cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, cái vướng hiện nay là thế giới chưa biết gì về VietGAP “và điều quan trọng hơn là thế giới (những thị trường nhập khẩu khó tính- PV) chưa chấp nhận VietGap”, ông nói.
Thực tế, theo TS Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, muốn đưa trái cây vào Mỹ, bắt buộc sản phẩm phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn được họ công nhận và được cơ quan có thẩm quyền của họ cấp mã vùng nguyên liệu đạt chuẩn cũng như nhà máy xử lý, đóng gói đạt yêu cầu.
Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo muốn đưa sản phẩm vào thị trường Nhật phải đáp ứng được hơn 500 chỉ tiêu kiểm tra do cơ quan kiểm soát chất lượng của quốc gia này đề ra và hơn 100 chỉ tiêu đối với thị trường Hàn Quốc (chủ yếu là chỉ tiêu kiểm tra về dư lượng thuốc trừ sâu).
Theo ông Tám, thời gian tới, bộ này quy định không phải bất kỳ một chứng chỉ nào khi vào Việt Nam cũng được phép công nhận mà phải theo tinh thần  đàm phán “công nhận lẫn nhau”, có nghĩa Việt Nam công nhận chứng chỉ của một quốc gia nào đó, thì ngược lại họ cũng phải công nhận của Việt Nam.
Theo công bố của Bộ NN&PTNT, VietGap (là chữ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices)- thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.Tiêu chuẩn VietGap ra đời ngày 28-1-2008- đó là kết quả của việc học hỏi các mô hình sản xuất GAP (từ gọi chung của các tiêu chuẩn GAP) ở các nước trên thế giới như: Malaysia, Thái Lan và các nước châu Âu…
Tiêu chuẩn VietGap về cơ bản cũng dựa trên nền tảng sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bền vững về môi trường; an toàn lao động…,  như các nước đang triển khai thực hiện.
Ngoài tiêu chuẩn VietGap của Việt Nam, các nước trên thế giới đều xây dựng tiêu chuẩn GAP cho riêng mình. Bên cạnh đó, còn có một số tiêu chuẩn do các tổ chức phi Chính phủ xây dựng và chứng nhận.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn VietGap chưa được các nước trên thế giới công nhận, trong khi đó, sản phẩm nông sản của Việt Nam sản xuất ra chủ yếu phục vụ xuất khẩu