Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Nhìn lại 12 năm tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với nhiều mặt hàng đạt giá trị kim ngạch hơn một tỷ USD/năm, song người nông dân lại luôn phải đối mặt với nỗi lo thường trực trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Thành quả ban đầu

Ngày 24/6/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg (gọi tắt là QĐ80) về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”. Sau khi QĐ80 được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng chủ động triển khai, quy hoạch lại các vùng nguyên liệu tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng (HĐ), ban hành chính sách hỗ trợ các bên ký HĐ, điển hình như Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, An Giang, Sóc Trăng... Đối với DN, đặc biệt là các TCty có vốn nhà nước đã xây dựng vùng nguyên liệu phát triển sản xuất, chế biến theo ngành, lĩnh vực kinh doanh. Nhìn chung, các DN đã triển khai các hình thức HĐ sau: HĐ thu mua gắn với đầu tư hoặc ứng trước vốn, vật tư, giống... (áp dụng phổ biến đối với các ngành hàng mía đường, bông, lâm sản); HĐ thu mua với thương lái (áp dụng phổ biến đối với các ngành hàng lúa gạo, cà phê); HĐ mua nông sản không gắn với đầu tư (áp dụng trong nhiều ngành hàng, tại nhiều địa phương). 

1. Nhiều DN đã triển khai thực hiện tương đối tốt việc ký kết HĐ sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; bước đầu xác lập mối quan hệ bền chặt giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến xuất khẩu. Nhờ đó sản phẩm sản xuất ra đảm bảo chất lượng, phẩm cấp đồng đều để chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Mặt khác DN chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị máy móc. 

2. Nông dân thông qua HĐ sản xuất, tiêu thụ đã yên tâm đầu tư sản xuất, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng suất, sản lượng. Đặc biệt tạo động lực cho các hộ nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, hạ giá thành sản phẩm và tăng thu nhập. Tiêu thụ nông sản thông qua HĐ đã giúp người nông dân thay đổi cách thức làm ăn, thấy được sự cần thiết và tự nguyện hợp tác với nhau.
3. Hình thức tiêu thụ nông sản qua HĐ chỉ phát huy hiệu quả khi giữa DN và người sản xuất có sự ràng buộc, gắn kết và bình đẳng về lợi ích kinh tế; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quá trình ký kết và thực hiện HĐ. Nhiều ngành hàng đã thực hiện có hiệu quả hình thức HĐ tiêu thụ nông sản kết hợp đầu tư ứng trước vật tư, hỗ trợ vốn hoặc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ví dụ như Cty TNHH một thành viên Bông Việt Nam. 95% tổng diện tích các vùng nguyên liệu được Cty ký HĐ trước khi vào vụ sản xuất. Cty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tiến hành ký kết HĐ thu mua sữa bò tươi trực tiếp với các hộ nông dân, các HTX, các đơn vị kinh doanh và các đại lý trung chuyển. Công ty Chế biến Nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương đã ký HĐ với hàng vạn hộ nông dân trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng... với 14 loại sản phẩm rau khác nhau. Hầu hết các HĐ thực hiện đạt từ 85% đến 95%, cá biệt có loại sản phẩm thu mua được đạt 100% hợp đồng. . 

Còn đó những nỗi lo

Trong quá trình thực hiện QĐ80, tuy đạt được những thành quả nhất định nhưng cũng còn đó những mặt còn tồn tại như:

1 Tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua HĐ giữa người sản xuất và DN còn thấp. Theo Điều 7, QĐ80 quy định: “...có kế hoạch từng bước mở rộng phương thức ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá, để đến năm 2005 ít nhất 30%, đến năm 2010 có trên 50% sản lượng nông sản hàng hoá của một số ngành sản xuất hàng hoá lớn được tiêu thụ thông qua HĐ”. Nhưng tính đến thời điểm đầu năm 2013, nhiều mặt hàng chủ lực như lúa gạo chỉ đạt 2,12%; cà-phê 2,5%; chè 9%; thủy sản 13%...  
2. Nhiều nông dân không thực hiện đúng HĐ, bán nông sản cho tư thương hoặc DN khác với giá cao hơn hoặc các điều kiện khác hấp dẫn trước mắt. Một số nông dân cố tình bán ra bên ngoài để lẩn tránh việc thanh toán các khoản đầu tư ứng trước của DN theo HĐ. 

3. Nhiều DN không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết như cung ứng vật tư không đúng chất lượng, đơn phương phá bỏ HĐ, không quan tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu… Một số DN đã lạm dụng thế độc quyền để ép cấp, ép giá trong thu mua nông sản; việc soạn thảo HĐ còn mang tính áp đặt; thanh toán HĐ chậm, chưa sòng phẳng.

4. Đối với nhiều HĐ tiêu thụ đã được ký kết, tỷ lệ thu hồi sản phẩm theo HĐ còn hạn chế, hiện tượng phá vỡ HĐ khá phổ biến; các tranh chấp HĐ chậm giải quyết và không dứt điểm.

Truy tìm nguyên nhân 

Nguyên nhân thì có nhiều, song nhìn chung có 3 nguyên nhân chính:

1. Nhận thức của người sản xuất, DN và cán bộ quản lý nhà nước thực thi nhiệm vụ liên quan tới chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua HĐ của Chính phủ chưa đầy đủ.

2. Về phía DN: Nhiều DN chưa có chiến lược kinh doanh, đặc biệt chiến lược về thị trường nên chưa gắn được sự tồn tại và phát triển của DN với người sản xuất và vùng nguyên liệu; chưa đặt lợi ích của người sản xuất hài hòa với lợi ích của DN; 

3. Về phía nông dân: Trình độ sản xuất, quản lý của người nông dân chưa đáp ứng kịp kiến thức theo yêu cầu sản xuất hàng hóa. Tiềm lực sản xuất, tiềm lực kinh tế của hộ nông dân còn thấp, thiếu thông tin thị trường, các kiến thức về pháp luật, trong khi đó thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức của nông dân.

Quyết định 80/2002/QÐ-TTg là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Song đến nay, nhiều chính sách có liên quan đến việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua HĐ quy định tại QĐ80 không còn phù hợp với các quy định của WTO, như chính sách thuế, tín dụng, đầu tư, đất đai, xúc tiến thương mại, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật... Do vậy, cần thay vào đó là những chính sách khuyến khích mới liên quan tới chế độ bảo hiểm, bảo lãnh HĐ; Các hình thức mua bán hiện đại như thị trường giao dịch, quyền mua, quyền bán; Thành lập hệ thống thông tin thị trường; Công tác kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng nông sản... 

Cùng tháo gỡ khó khăn

Để chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua HĐ đạt được hiệu quả cao trong tương lai thì công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp và vùng nguyên liệu cần đi trước một bước.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa.
- DN phải tiên phong trong ký và thực hiện HĐ tiêu thụ nông sản kết hợp đầu tư ứng trước cho nông dân về giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật tạo ra sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu của HĐ. HĐ xuất, tiêu thụ phải thực sự đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích giữa DN và người sản xuất.
- Tăng cường năng lực quản lý và hoạt động tiêu thụ sản phẩm của HTX, tổ hợp tác của nông dân.
- 4 nhà (chính quyền, DN, nhà nông và các nhà khoa học) cần chủ động gắn kết chặt chẽ theo phương châm: DN đặt hàng nông dân sản xuất sản phẩm mình cần; nhà khoa học nhập cuộc hướng dẫn kỹ thuật, tạo giống triển vọng; Nhà nước có chính sách “đòn bẩy”, quy hoạch vùng nguyên liệu; nhà nông năng động trong việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

Thu Hường