Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Trái cây được mùa, lộ điểm yếu

Việc trồng và kinh doanh trái cây của nước ta vẫn còn mang nặng tính tự phát, nhỏ lẻ, không có nhiều vùng chuyên canh… Thói quen tiêu dùng tại thị trường trong nước chủ yếu là ăn trái cây tươi, ngành chế biến trái cây vẫn chậm phát triển... không thể tránh khỏi việc được mùa mất giá.

 

Hai tuần nay, lượng trái cây vào mùa nên dội chợ, giá bán giảm mạnh từ 30-40%. Tại Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh), bình thường số lượng trái cây  về chợ từ 100-120 tấn/ngày, nhưng lúc này đang vào mùa, số lượng tăng vọt lên 180- 200 tấn/ngày.

Xuất khẩu trái cây thời gian gần đây có mức tăng trưởng bình quân 26,5%/năm
Bà Nguyễn Thị Thủy, chủ vựa trái cây Năm Thủy (chợ đầu mối nông sản Hóc Môn) cho biết, giá bán sỉ hầu hết các loại trái cây đã giảm mạnh đến 40% so với ít tuần trước. Trong đó, ngay các loại trái cây đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, măng cụt, thanh long, quýt đường… giá bán sỉ chỉ còn 500-600 nghìn đồng/giỏ (từ 30-40kg/giỏ).
Những loại trái cây theo mùa khác như chôm chôm, ổi, dưa hấu… giá bán chỉ từ 5-8 nghìn đồng/kg. Cũng theo bà Thủy, lượng hàng bán sỉ tại vựa không giảm mà chỉ giảm giá.
Trong khi đó, tại khu vực Chợ nổi trái cây Khu du lịch Suối Tiên (quận 9, TP. Hồ Chí Minh), trên 70 gian hàng có kế hoạch bán suốt 3 tháng hè với hơn 180 chủng loại trái cây được quảng bá sẽ bán với giá rẻ hơn thị trường từ 20-40%. Quan sát thực tế, do số lượng trái cây quá lớn, lượng người mua chen chúc, chọn lựa xáo trộn nên hầu hết chất lượng trái cây xuống cấp, không còn nhìn bắt mắt.
Chưa kể, nhiều loại trái cây đặc sản như măng cụt, sầu riêng, bơ… người mua không thể thử nên chất lượng không đồng đều. Về giá cả tuy có rẻ hơn giá chợ nhưng lẫn rất nhiều trái hư, cũ.
Ở một diễn biến khác, tại các tỉnh phía Nam lâu nay, mỗi năm từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch có rất nhiều lễ hội trái cây như Lễ hội trái cây Nam bộ lớn nhất tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của gần 21 tỉnh thành có thế mạnh trồng trái cây, hay Ngày hội Trái cây ngon tỉnh Bến Tre, Hội chợ Nông nghiệp Việt Nam… Mỗi nơi, mỗi lần tổ chức lượng trái cây tiêu thụ đều được ban tổ chức công bố từ 1.000-1.500 tấn với trên 300 loại trái cây từ thông thường, đặc sản đến lai ghép mới lạ.
Rất nhiều địa phương tham gia lễ hội trái cây đã mang đến giống cây thế mạnh của mình như quýt hồng, xoài Đồng Tháp, sầu riêng, măng cụt Bến Tre, bòn bon Tiền Giang, thanh long Bình Thuận… Và mùa trái cây 2014 này cũng không khác gì những mùa trước, các lễ hội tôn vinh trái cây vẫn diễn ra hoành tráng.
Tuy nhiên, theo TS. Võ Mai, nguyên Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam thì việc trồng và kinh doanh trái cây của nước ta vẫn còn mang nặng tính tự phát, nhỏ lẻ, không có nhiều vùng chuyên canh… Việc tiêu thụ thông qua xuất khẩu vì thế cũng bị hạn chế. Mặt khác, thói quen tiêu dùng tại thị trường trong nước chủ yếu là ăn trái cây tươi, bên cạnh ngành chế biến trái cây vẫn chậm phát triển, nên lượng tiêu thụ không tăng và không thể tránh khỏi việc được mùa mất giá.
Trong khi với một số quốc gia khác, như Chile từng nhập giống thanh long Việt Nam về trồng nhưng đến nay họ phát triển rất nhiều sản phẩm chế biến từ thanh long như: trái thanh long đóng hộp, mứt thanh long, chè từ búp ngọn thanh long… Nếu Việt Nam phát triển theo hướng này thì có thể thấy, thị trường tiêu thụ sẽ có thêm vô vàn sản phẩm từ trái cây và nhà nông có thể làm giàu bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây Việt Nam, về thị trường nội địa và các kênh phân phối, mặc dù thời gian qua đã có rất nhiều mô hình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam để phát triển việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng, như việc Metro hợp tác tiêu thụ bưởi Năm Roi, Co.op mart là nhà phân phối nhiều sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn Việt GAP của 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…
Về xúc tiến xuất khẩu, các DN trong Hiệp hội Trái cây Việt Nam vẫn thường xuyên được hỗ trợ thông tin, tham gia quảng bá sản phẩm tại nhiều hội chợ chuyên ngành rau quả của thế giới (thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia). Cụ thể như tháng 9/2014 tới đây, Hiệp hội sẽ tổ chức đoàn DN tham gia Hội chợ Rau quả Asia Fruit Logistica 2014 tại Hồng Kông nhằm giới thiệu sản phẩm rau quả tươi của Việt Nam và tìm khách hàng xuất khẩu mới trên toàn thế giới…
Cũng theo ông Nguyễn Văn Kỳ, tuy đã có nhiều động thái tích cực, nhưng thực tế việc phát triển thị trường tiêu thụ rái cây của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Với lượng tiêu thụ ở thị trường trong nước đã ổn định, khó có thể tăng hơn nữa.
Còn với các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… do tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm quá cao, trong khi việc trồng, thu hoạch theo hình thức tự phát của Việt Nam cho chất lượng trái không đồng đều, bên mua và bên bán khó gắn kết hợp tác lâu dài.
Thanh Trà