Mùa rộ trái cây ĐBSCL thường “đụng hàng” mùa thu hoạch tập trung ở
miền Đông, Tây Nguyên và miền Bắc, nên lượng cung ra thị trường khá lớn
gây khủng hoảng thừa, rớt giá. Do vậy, việc điều chỉnh mùa vụ, sản
lượng trái cây đáp ứng nhu cầu thị trường là vấn đề rất cần thiết.
Chất lượng cây giống với tiến bộ khoa học công nghệ góp phần quan trọng vào tăng trưởng năng suất, sản lượng trái cây.
Nếu vạch một “tour” trái cây quanh ĐBSCL từ Tiền Giang, Bến Tre, Đồng
Tháp qua Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Hậu Giang… thì chắc chắn du khách sẽ có
một chuyến khám phá đặc sản đồng bằng rất thú vị. Tuy nhiên, dù mỗi địa
phương đều có đặc sản riêng có, nhưng chỉ cần ghé 1 tỉnh bất kỳ đã có
thể “ăn” được tất cả các loại trái cây.
Mùa trái cây “đụng hàng”
Theo Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập- Viện Cây ăn quả Miền Nam, phần lớn
các loại trái cây có sản lượng lớn ở ĐBSCL đều thu hoạch tập trung từ
tháng 4- 7 hàng năm. Chủng loại cây ăn trái khá phong phú, hiện có hơn
30 chủng loại khác nhau.
ĐBSCL sở hữu nhiều giống cây ăn trái ngon đặc sản vùng miền như: xoài
cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, thanh long, sầu riêng Ri6, nhãn
xuồng cơm vàng, chôm chôm nhãn, sa pô Lồng mức, quýt đường, cam sành,
vú sữa Lò Rèn, sơ ri, quýt hồng,…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), diện tích cây ăn trái của
ĐBSCL hiện khoảng 295.000ha, chiếm 36,5% diện tích cả nước với sản lượng
3,8 triệu tấn, chiếm gần 50% sản lượng cả nước.
Tuy nhiên, hiện có đến 82- 83% sản lượng trái cây của nhà vườn bán thông
qua thương lái, 10% tiêu thụ qua hệ thống siêu thị và chỉ 7- 8% doanh
nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu mua.
Trong khi đó, mùa thu hoạch tập trung trái cây ĐBSCL lại rơi vào mùa
chính của các loại trái cây xoài, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, mãng cầu
ta… ở miền Đông; bơ, hồng, dâu tây… ở Tây Nguyên và vải, đào… ở miền
Bắc.
Ngoài ra, một lượng lớn trái cây cũng được nhập khẩu như táo (bôm), lê,
quýt, nho Trung Quốc; cam, nho từ Mỹ; bòn bon, măng cụt, me từ Thái Lan.
Do đó, Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập cho rằng, sản lượng cung ứng cho thị
trường giai đoạn này quá lớn, cung vượt cầu, thường xảy ra ứ đọng, giá
cả giảm mạnh (như chôm chôm, sầu riêng, thanh long, nhãn, dứa, chanh,
cam sành…) ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của nhà vườn.
Sản phẩm trái cây hầu hết được tiêu thụ dưới dạng tươi và ở thị trường
nội địa (chiếm 90% tổng sản lượng), công nghệ sau thu hoạch và công
nghiệp chế biến trái cây (ví dụ tồn trữ bằng kho lạnh, đa dạng sản phẩm
chế biến) còn hạn chế, chưa giải quyết được sản lượng trái cây dư thừa
khi vào mùa thu hoạch rộ như hiện nay.
Bên cạnh, “quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu diện tích chuyên canh
quy mô lớn, thiếu liên kết… cũng là những nguyên nhân khiến sản xuất,
tiêu thụ trái cây thiếu ổn định và ẩn chứa nhiều rủi ro”- Cục Trồng trọt
nhận định.
Do vậy, vấn đề liên kết rải vụ thu hoạch, điều chỉnh sản lượng là một trong những giải pháp được đặt ra.
Điều chỉnh theo “tín hiệu” thị trường
Nhận định của Viện Cây ăn quả Miền Nam, sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL vẫn
còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch, nhất là chưa phát triển
theo định hướng và “tín hiệu” của thị trường. Chẳng hạn “tín hiệu” giá
chôm chôm trên thị trường Mỹ có sự chênh lệch rất lớn giữa chính vụ và
nghịch vụ (gần 2,5 lần).
Chôm chôm có mức giá thấp nhất (6,5- 9,5 USD/kg) từ tháng 7- 9, giá
trung bình (8,0- 12,5 USD/kg) từ tháng 10- 12 và đạt cao nhất (13,5-
15,5 USD/kg) từ tháng 1- 6.