Giá nhiều loại nông sản tại
đồng bằng sông Cửu Long đang sụt giảm nhưng khi đến tay người tiêu dùng
lại tăng cao. Nghịch lý này khiến khâu trung gian được hưởng lợi trong
khi cả người sản xuất và người tiêu dùng phải chịu thiệt.
Lấy lý do cước phí vận
tải tăng do kiểm soát gắt gao tải trọng xe trên toàn quốc nên thương lái
đã ép nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải giảm giá bán
nông sản để bù phí vận tải. Tình trạng này khiến cho giá lúa liên tiếp
giảm và lợi nhuận của nông dân không được bảo đảm. “Thương lái lấy lý do
cước phí vận tải tăng do kiểm soát gắt gao tải trọng xe trên toàn quốc
nên phải giảm giá thu mua lúa để bù phí vận tải. Ngoài ra, giá xăng dầu
cũng tăng nên giới chủ xe cũng phải tăng chi phí vận chuyển. Như vậy là
người nông dân không những phải gánh chịu chi phí sản xuất tăng mà còn
phải chịu thêm áp lực từ việc tăng chi phí vận tải”, anh Võ Văn Út ở
huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) than thở.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, khi chi phí đầu vào như:
phân bón, giống... tăng thì lợi nhuận của người nông dân đã bị ảnh
hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, nếu đầu ra của sản phẩm bị ứ đọng, không
tiêu thụ được và nhà phân phối giảm giá thu mua… thì nông dân lại bị
thiệt hại thêm một lần nữa.
Những ngày này, tại các
địa phương trọng điểm về cây ăn quả ở ĐBSCL như Tiền Giang, Long An, Bến
Tre…, nhà vườn cũng đang lo lắng vì giá cả sụt giảm. Bắt đầu từ tháng
4, giá xoài, thanh long… giảm mạnh từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, gây điêu
đứng cho nhà vườn. Cụ thể, thanh long ruột trắng giảm khoảng 8.000
đồng/kg, còn 17.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc giảm mạnh từ 10.000-
15.000 đồng/kg tùy loại… Tương tự, nhà nông cũng đang bỏ thu hoạch nhiều
loại rau như cải, bí xanh, cà chua… hoặc chỉ làm thức ăn cho gia súc,
gia cầm vì không tiêu thụ được hoặc giá bán không bù đắp được công sức
bỏ ra thu hoạch, vận chuyển…
Tuy nhiên, trong khi đầu
ra của nhà nông “được” bán với giá rẻ thì tại các chợ truyền thống, hệ
thống siêu thị…, giá cả những mặt hàng nông sản, nhu yếu phẩm vẫn bình
chân như vại, thậm chí nhiều mặt hàng nông sản còn tăng giá. Cụ thể, rất
nhiều loại rau củ quả từ Đà Lạt, các tỉnh ĐBSCL về chợ đầu mối Bình
Điền, Tam Bình… đang “rủ nhau” tăng giá 2.000 - 5.000 đồng/kg so với
thời điểm cách đây 2-3 tuần. Giá những loại thủy, hải sản phổ biến như:
cá điêu hồng, cá lóc bông, tôm thẻ… cũng tăng thêm từ 5.000 - 10.000
đồng/ kg. Các tiểu thương tại đây cho hay, dù các chủ xe, chủ hàng chưa
chính thức thông báo tăng giá nhưng rất nhiều tài xế sau mỗi chuyến hàng
thường yêu cầu hỗ trợ thêm phí vận chuyển. Lý do họ đưa ra là giá xăng
dầu tăng và các trạm kiểm soát tải trọng kiểm tra nghiêm ngặt, tài xế
không dám chở quá tải như trước nên chi phí vận chuyển bắt buộc phải
tăng theo.
Trong khi đó, các doanh
nghiệp vận tải cho rằng nếu chạy đúng tải theo quy định, hầu hết doanh
nghiệp sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Cụ thể, xe trọng tải 15 tấn
nếu chở đúng tải trọng thì với giá cước 130.000 - 140.000 đồng/tấn như
trước đây sẽ khó đủ chi phí xăng dầu, thuê tài xế. Thời gian trước, các
doanh nghiệp vẫn chấp nhận chở với giá đó vì chở vượt tải trọng cho
phép. “Hiện nay, khi các ngành chức năng siết tải trọng xe, doanh nghiệp
bắt buộc phải chở đúng tải trọng cho phép nên phải tăng giá cước vận
chuyển mới mong có lãi. Theo tôi, việc kiểm soát chặt tải trọng xe sẽ
tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải. Ban đầu,
nhiều loại hàng hóa sẽ gánh chịu giá cước cao hơn nhưng về lâu dài, giá
cả sẽ ổn định hơn”, anh Trần Quốc Dũng, chủ một doanh nghiệp vận tải ở
TP Hồ Chí Minh nhận định.