Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Quẩn quanh xuất khẩu nông sản

(HQ Online)- Nông sản là một trong những mặt hàng có thế mạnh XK của Việt Nam, song việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ lại gặp không ít khó khăn. Nỗi ám ảnh “được mùa mất giá” như nghịch cảnh luôn lặp lại với DN và người nông dân.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Vifoco. Ảnh: TRẦN VIỆT
Có “tiếng” vẫn khó
Nhờ có một chút “tiếng tăm” trên thị trường nông sản Việt Nam nên các sản phẩm xoài Hoà Lộc của Hợp tác xã xoài cát Hoà Lộc (Tiền Giang) đã XK được sang thị trường Nhật Bản. Với khoảng 40% lượng sản xuất ra được đưa đi XK, song hầu hết sản phẩm XK của Hoà Lộc đều là sản phẩm thô chưa qua chế biến nên giá trị mang về không được như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm Hợp tác xã xoài cát Hoà Lộc cho biết, lượng xoài cung ứng cho DN chế biến của Nhật Bản khá ổn định nên đã giúp hợp tác xã có đầu ra cho khoảng gần 40% sản phẩm. Tuy nhiên, để giữ đơn hàng và duy trì “mối” làm ăn này, hợp tác xã phải đảm bảo các yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe trong khâu trồng và bảo quản sản phẩm. Do đó, với sự hỗ trợ từ các cơ quan ban, ngành, mô hình kết hợp giữa nhà nông và nhà khoa học đã được ứng dụng ở Hợp tác xã xoài cát Hoà Lộc nhằm tạo nên các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và Global Gap, áp dụng công nghệ sau thu hoạch như xử lý nước nóng để bảo quản sản phẩm tốt hơn.
“Với năng lực hạn chế nên hợp tác xã chưa thể tự đầu tư, mở rộng vào khâu chế biến để XK trực tiếp mà phải thông qua một DN chế biến của Nhật Bản. Mặc dù lượng hàng đưa đi XK có giá trị cao hơn tiêu thụ nội địa đến 20%, song việc bị phụ thuộc vào một nhà NK duy nhất cũng chứa đựng rủi ro khi đối tác có thể dừng đơn hàng bất cứ lúc nào. Chưa kể, các sản phẩm xuất đi đều là sản phẩm thô nên giá trị mà chúng tôi thu lại vẫn chưa được như kỳ vọng so với giá trị thương hiệu sản phẩm đã xây dựng”, ông Nhơn nói.
Đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Uyên - DN chuyên XK các sản phẩm trái cây, rau củ chế biến - dù đã chủ động được khâu chế biến, song việc tìm kiếm và mở rộng thị trường cũng không phải là bài toán đơn giản. Theo ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty Long Uyên, để các sản phẩm nông sản chế biến có thể thâm nhập được vào các thị trường tiềm năng như EU, Hàn Quốc, DN đã phải đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để nâng cấp dây chuyền, thiết bị công nghệ mới, nâng công suất nhà máy lên 2.000 tấn sản phẩm/năm. Với ưu thế các dòng sản phẩm chế biến cao cấp, DN này đang “nhắm” đến Nhật Bản, song  đây là thị trường khó tính nên việc tìm kiếm được hợp đồng rất khó khăn.
Cần liên kết và thông tin
“Với tiềm năng sản phẩm trái cây vùng Đồng bằng Nam bộ và lợi thế nhà máy sản xuất, chế biến, DN định hướng sẽ mở rộng thị trường và đối tác XK sang Nhật Bản. Mới đây, chúng tôi đã chi ra hàng trăm triệu đồng để tham dự một hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm tại nước này để chào hàng và tìm kiếm đối tác. Hiện cũng đang có khách hàng đến tìm hiểu thông tin về DN và sản phẩm, thăm quan nhà máy sản xuất, song việc ký được hợp đồng cũng còn là vấn đề thời gian do đây là thị trường rất kỹ tính, yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm mà thời gian giao hàng phải đúng hạn, sản phẩm có chất lượng đồng đều”, ông Nam nói.
Dù còn nhiều khó khăn trong việc tìm đường xuất ngoại cho các sản phẩm nông sản Việt, song những mô hình hoạt động như Hợp tác xã xoài cát Hoà Lộc hay Công ty Long Uyên vẫn được đánh giá là những “điểm sáng”. Theo PGS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về nông nghiệp, phần lớn người nông dân trồng các loại cây nông sản đều không theo nhu cầu đặt hàng của thị trường. Do mô hình nông dân liên kết trong các hợp tác xã, DN để hình thành nên chuỗi giá trị hay đặt hàng theo yêu cầu của DN là rất ít, nên hoạt động XK nông sản vẫn chưa mang lại giá trị tương xứng với tiềm năng mặt hàng này. Đặc biệt, do không nằm trong chuỗi giá trị và thiếu thông tin thị trường nên phần lớn người sản xuất các sản phẩm nông sản vẫn cứ “loay hoay” với việc tìm đầu ra cho thị trường.
“Điểm nóng” gần đây nhất là chuyện ách tắc dưa hấu trên đường đưa đi XK sang Trung Quốc được nhắc đến như một ví dụ điển hình khi người sản xuất, thương lái và DN thiếu thông tin thị trường. Ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ XNK - Bộ Công Thương cho rằng, không chỉ khâu điều tiết sản xuất lỏng lẻo khiến người dân ồ ạt trồng với diện tích lớn, sản lượng tăng đột biến, mà việc nắm thông tin thị trường còn hạn chế, khiến cho nhiều sản phẩm nông sản gặp khó khăn tìm đường tiêu thụ XK. Đặc biệt, tình trạng người sản xuất, thương lái DN chỉ “nghe” thông tin XK tại cửa khẩu biên giới có giá tốt, đã chở hàng đi tiêu thụ, bất chấp việc chưa ký được hợp đồng nên dẫn đến tình trạng bị ép giá.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác giữa người trồng nông sản với nhà khoa học và DN, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, cần có các chính sách hỗ trợ thông tin thị trường XK cho người sản xuất và DN. Đặc biệt, cần gắn quy hoạch sản xuất với nhu cầu thị trường, dựa trên cơ sở tiềm năng của từng địa phương, từng vùng để định hướng sản xuất cho người nông dân, từ đó liên kết với DN và thị trường nhằm đảm bảo có đầu ra bền vững cho nông sản.