Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Bài học từ việc nông sản xuất khẩu bị trả về

Một khi đã thất tín với khách hàng và người tiêu dùng thì chính người sản xuất nông sản đã tự làm hại mình.
 

Nông sản Việt Nam (Ảnh: webnongnghiep.vn)

Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam bị sụt giảm mạnh. Nguyên nhân không phải do thị trường thu hẹp mà đáng tiếc hơn là do một số lô nông sản xuất khẩu đã bị đối tác từ chối, trả lại do không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn. Đây chính là hậu quả của việc thiếu kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp. Và như thế sẽ làm thất tín với khách hàng cũng như không thể có được một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm nay ước đạt hơn 9,7 tỷ USD, giảm hơn 610 triệu USD so với cùng kỳ năm 2012. Nhiều nông sản chủ lực như gạo, chè, trái cây, thủy sản đều sụt giảm về số lượng, giá cả. Những tưởng nguyên nhân là do khách quan, kinh tế các nước vẫn chưa bước qua khủng hoảng nên giảm nhập khẩu, nhưng đáng tiếc và đáng trách hơn, nhiều nông sản bị khách hàng từ chối nhập, trả lại do vi phạm những quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mới đây nhất, các đối tác châu Âu đã trả lại sản phẩm chè do tồn dư hoạt chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Trước đó, quả thanh long - một mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu khá lớn của nước ta cũng bị Mỹ cấm thông quan vì bị cho là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định.

Lúa gạo, loại nông sản chủ lực cũng không ngoại lệ. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay cũng đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thực tế, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt đã lợi dụng gạo của lúa OM 4900 gần giống với gạo thơm Jasmine để trộn hai loại này với nhau (nhưng chất lượng rất khác nhau). Chính "chiêu trò" trộn gạo này đang khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm lâm vào tình cảnh hàng xuất đi bị trả lại.

Không chỉ có các mặt hàng nông sản, từ đầu năm đến nay, giá tôm tăng mạnh, đạt mức giá cao nhất trong 5 năm gần đây. Chính vì vậy, nhiều cơ sở vì ham lợi nhuận trước mắt mà tiếp tục tái diễn việc bơm tạp chất vào tôm. Điều này làm mất vị thế của con tôm Việt Nam. Nhiều thị trường đã giảm mạnh nhập tôm Việt Nam và trả những lô hàng đã nhập.

Nói ra câu chuyện này không phải là “vạch áo cho người xem lưng” mà thực trạng đáng tiếc này chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho ngành nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản. Việt Nam có tiếng và đứng đầu thế giới trong việc xuất khẩu nhiều loại nông sản như gạo, chè, cà phê, thủy sản… đã nhiều năm nay. Tạo được chữ “tín” với khách hàng đã khó, giữ được chữ “tín” càng khó hơn. Ấy vậy mà, cung cách sản xuất tùy tiện, nhắm mắt làm liều sao cho đạt số lượng mà quên đi chất lượng của người sản xuất cùng với việc quản lý thiếu chặt chẽ của ngành chức năng đã làm xấu đi hình ảnh nông sản Việt trên thị trường thế giới.

Không khỏi hổ thẹn khi nước ta là một trong 3 nước có số lượng nhiều lô hàng nông thủy sản xuất khẩu bị trả về. Đối với các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, nơi có những quy định hết sức khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm thì Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ sản phẩm bị từ chối nhập khẩu cao nhất. Một khi đã thất tín với khách hàng và người tiêu dùng thì chính người sản xuất đã tự làm hại mình. Trung bình mỗi năm, nước ta thiệt hại hơn 14 triệu USD do hàng xuất khẩu bị trả lại.

Những câu chuyện nóng hổi về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước thời gian gần đây cùng với câu chuyện nhiều lô hàng nông sản xuất khẩu bị trả về cho thấy, việc hướng tới một nền sản xuất sạch ngày càng trở nên cấp bách. Việc hình thành được chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng. Đồng thời, phải tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng nhằm xử lý “mạnh tay” các trường hợp cố tình áp dụng kỹ thuật nuôi trồng có hại cho môi trường, làm “bẩn” nông phẩm.

Và hơn ai hết, chính những doanh nghiệp, những nông dân phải nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, chế biến của mình để những nông sản thực phẩm làm ra thực sự đảm bảo chất lượng và an toàn, giữ được hình ảnh và chỗ đứng của nông sản Việt trên thị trường thế giới./.