Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Điều tiết giá nông sản: Cần chính sách hỗ trợ hợp lý

Chính sách tạm trữ 1 triệu tấn gạo được coi như cái phao giúp nông dân qua được thảm cảnh "được mùa, mất giá" nhưng còn rất nhiều mặt hàng nông sản khác không được hưởng sự hỗ trợ này. Tuy nhiên, niên vụ 2013-2014, DN và người trồng cà phê vẫn thắng lớn vì đã tìm được lối đi riêng cho mình.

Niên vụ 2013 - 2014, DN cà phê thắng lớn vì đã tìm được lối đi riêng

Tạo cơ hội cho nông dân

Nút thắt cơ bản nhất trong sản xuất - kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên nằm ở hai khâu quan trọng là thu mua cà phê hạt và tái canh diện tích cà phê già cỗi. Niên vụ cà phê 2013-2014, giá cà phê trên thị trường nội địa có lúc chạm mốc 30.000 đồng/kg. Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) đã kiến nghị Chính phủ có chương trình tạm trữ khoảng 300.000-400.000 tấn cà phê như tạm trữ gạo. Tuy nhiên, kiến nghị chưa được chấp nhận vì giá bán chưa thấp hơn giá thành.

Ngay lập tức, Ngân hàng HDbank đã xây dựng một hệ thống kho lưu giữ cà phê ở Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Nông dân, DN muốn vay tiền chỉ việc đưa cà phê đến ký gửi và có thể vay đến 80% giá trị lô hàng với thời hạn 6 tháng.

Vicofa cũng kêu gọi các DN mở kho cho nông dân gửi cà phê khi giá thấp thay vì phải bán tống bán tháo ra thị trường (nhưng chưa ấn định giá). Mỗi tấn cà phê ký gửi ở kho, nông dân được nhận tiền trước khoảng 70% giá trị vào thời điểm đó. Khi nào bà con thấy muốn bán thì DN mua lại còn không họ cứ gửi trong kho đến khi nào cũng được. Như vậy, DN chủ động được số lượng lớn để xuất bán ngay, thay vì phải đi mua từ nông dân rồi mới bán ra thị trường sẽ đánh mất cơ hội bán giá tốt.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Vicofa: "Từ bài học về hạt gạo, hồ tiêu và cà phê, đã đến lúc cần có những nghiên cứu sâu hơn để có thể áp dụng cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Nói cách khác, để giúp nông biết cách điều tiết giá các mặt hàng nông sản, nhà nước cần có chính sách tốt để hỗ trợ DN, qua đó, gián tiếp hỗ trợ nông dân thì chắc chắn sẽ thoát được cảnh "được mùa mất giá"."

Kết quả, đầu tháng 3 vừa qua, giá cà phê thế giới đã tăng trở lại, kéo theo giá cà phê trong nước tăng lên gần 40.000 đồng/kg. Nông dân quyết định bán ra, DN có cơ hội xuất cà phê ra thị trường với số lượng lớn. Nhờ vậy, tháng 3/2014, Việt Nam xuất khẩu được 274.009 tấn cà phê, giá trị thu về đạt 558 triệu USD, đưa lượng cà phê xuất khẩu cả quý I/2014 đạt 601.000 tấn, giá trị đạt 1,17 tỷ USD, tăng gần 25% về lượng và 14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Cần chính sách hỗ trợ hợp lý

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Vicofa - cho rằng, giá nông sản trên thị trường không chỉ chịu tác động của thời tiết mà bản thân người nông dân cũng góp phần chi phối giá sản phẩm. Cụ thể, trước đây, nông dân trồng tiêu đã điều tiết giá trên thị trường thế giới bằng cách giữ lại hồ tiêu khi giá thấp để tạo áp lực đẩy giá lên. Tất nhiên, làm được việc này là nhờ chúng ta đang chiếm 1/3 sản lượng thế giới và chiếm 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu. Hiện tại, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về sản lượng cà phê robusta mỗi năm và chiếm 17% thị phần xuất khẩu. 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 601.000 tấn, giá trị 1,17 tỷ USD, tăng gần 25% về khối lượng và gần 14% về giá trị. Đây là một con số khá lớn, nếu biết cách thì sẽ điều tiết được giá cà phê robusta trên thị trường.

DN có thể giúp nông dân "chờ thời" được là nhờ Nghị quyết 02 của Chính phủ về giải quyết nợ xấu và mới đây nhất là chuyện không thu thuế VAT cho các DN xuất khẩu nông sản, giúp DN kéo dài thời gian trả nợ lên đến 36 tháng và có thêm một lượng tiền đưa vào lưu thông vì không phải nộp trước thuế VAT.

Tầm Thư/ Báo Công Thương