Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Tìm lối ra cho hàng nông sản

Nhiều loại trái cây rớt giá trong thời gian qua, nay đến lượt vải thiều. Hiện đang vào mùa thu hoạch vải thiều, tại nhà vườn, thương lái thu mua 6.000-10.000 đồng/kg, chỉ bằng phân nửa so với giá cùng kỳ năm ngoái 

Tìm lối ra cho hàng nông sản
Vải thiều được bán nhiều trên xe tải khắp đường phố TP HCM.
 
Được biết 30% sản lượng vải tươi được xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Sản phẩm vải sấy khô, vải đóng gói vài năm qua thị trường Trung Quốc không còn nhập hàng đang gây khó khăn cho việc tiêu thụ mặt hàng này. Trong khi thị trường tiêu thụ trong nước chưa ổn định, thiếu thông tin, còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Dọc theo theo nhiều tuyến đường tại TP HCM, xe tải chất đống vải thiều treo bảng bán 26.000 đồng/kg, còn giá bán trong các siêu thị, cửa hàng được đẩy lên khá cao, không khuyến khích người tiêu dùng.

Vải thiều được trồng nhiều tại tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, năm 2013 có diện tích 42.000 ha, sản lượng đạt khoảng 176.000 tấn quả tươi. Trong đó, diện tích vải áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 7.532 ha, sản lượng khoảng 35.260 tấn. Tiêu thụ tại thị trường trong nước chiếm 60% sản lượng (thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, TP HCM và các tỉnh phía Nam); xuất khẩu chiếm khoảng 40% sản lượng. Năm 2014, diện tích trồng vải tăng lên 43.000 ha, sản lượng đạt khoảng 190.000 tấn quả tươi, tăng 24.000 tấn so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích vải áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 8.580 ha, sản lượng khoảng 40.400 tấn.

Gần đây, Bộ Công Thương đã triển khai một số biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản, trong đó có vải thiều, như: Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước; mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; chương trình kết nối giữa các tập đoàn, tổng công ty, công ty với doanh nghiệp thu mua nông sản của nông dân để tạo cầu nối cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân và tiêu thụ trực tiếp nông sản cho nông dân; chương trình chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại; chương trình hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Để tiếp nối thành công bước đầu của chuỗi các hoạt động trên, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “Vùng Đông - Tây Nam Bộ đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều năm 2014” tại TP HCM nhằm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tại thị trường trong nước.

Đại diện UBND tỉnh Bắc Giang và Hải Dương mong muốn kết nối cung cầu giữa các đầu mối thu mua với các đầu mối tiêu thụ vải thiều nhằm giúp tiêu thụ vải thiều trên cả nước; giúp cho người dân được sử dụng vải tươi, chất lượng, giá cả hợp lý. Các bộ, ngành đưa ra các nhóm giải pháp dài hạn liên quan đến công tác hợp tác đầu tư, sản xuất để tiêu thụ; công tác bảo quản, chế biến, công tác quản lý chất lượng vải và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

Triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong nước đến các nhà phân phối. Nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp. Thường xuyên tổ chức với quy mô rộng hơn chương trình kết nối cung cầu để kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản với hệ thống phân phối, gắn với việc tạo nguồn hàng ổn định để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; xây dựng cánh đồng lớn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường. Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản; đàm phán song phương, đa phương để tiếp tục mở rộng thị trường.

Theo Người lao động