Trong vai thương lái nhiều ngày thâm nhập thực tế, tìm hiểu về những con đường nhập khẩu và phân phối rau quả Trung Quốc vào Việt Nam, PV Thanh Niên nhận ra rằng lợi nhuận khổng lồ chính là lý do khiến hàng Trung Quốc ngập tràn thị trường nội địa.
"100% hàng Tàu, "bói" đâu ra hàng Việt"
Trừ hết các khoản phí, mỗi kg chỉ cần chênh lệch 4 - 5 giá là chủ hàng đã thu được 140 - 150 triệu đồng/chuyến | ||
Nam, một thương lái hàng nông sản tuyến Lạng Sơn - Bắc Ninh | ||
Kho hàng của anh Thể rộng khoảng 300 m2, chủ yếu kinh doanh tỏi và hành tây đủ các loại. Tỏi nhỏ, tỏi trung, tỏi lạnh, tỏi nóng nhập ở các tỉnh Hồ Nam, Sơn Đông (Trung Quốc); hành tây nhập ở các tỉnh Giang Tô, Giang Tây (Trung Quốc), với khoảng 60 - 70 tấn hàng lưu chuyển mỗi ngày. Trong kho hàng, những bao tải chật ních hành tây, hành khô, chồng chất cao 5 - 6 m và vẫn còn nguyên tem mác chi chít chữ Trung Quốc. Anh Thể cho biết, hàng sau khi nhập về chỉ cần thuê công nhân loại bỏ những sản phẩm bị dập, hư trong quá trình vận chuyển, phân loại mẫu mã, sơ chế đóng bao rồi đưa đi tiêu thụ. “Tỏi trắng (tỏi đông lạnh) nhập kho phải cắt một đầu túi ni lông, dựng trên kệ thoáng mát và tiêu thụ ngay sau một tuần. Còn các loại tỏi nhỏ, tỏi trung, tỏi nóng nhập ở tỉnh Hồ Nam, Sơn Đông đóng bao để hàng tháng không bị hư, bị thối”, ông chủ hướng dẫn tận tình cách bảo quản. Thấy tôi có vẻ chưa an tâm, anh Thể vỗ vai cười: “Yên tâm đi. Nông sản Trung Quốc có phương pháp bảo quản được lâu ngày nên không phải lo chuyện bị hư, thối”.
Trước khi về tới Bắc Ninh, nông sản nhập khẩu được gom lại ở các điểm tập kết ngay sát biên giới. Một thương lái tên Nam đưa chúng tôi tới một điểm được dân buôn gọi là bãi xe hàng Tài, cách cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) gần 2 km. Bãi tập kết rộng gấp khoảng 3 lần chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), chứa những kho hàng nông sản khổng lồ đủ các loại được thương lái Trung Quốc gom mua ở các tỉnh Hồ Nam, Sơn Đông, Giang Tây… dồn về. Anh Nam cho biết, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh luôn có đội xe tải đợi sẵn, khi có mối hàng tài xế sẽ đánh xe thẳng vào bãi, chờ chủ hàng chất hàng đầy thùng xe là lăn bánh ngay. Còn chuyện giấy tờ hải quan thì đã có đội “cò” đứng ra lo hết khi làm thủ tục nhập hàng, kiểm tra qua cửa khẩu.
Lợi nhuận khổng lồ
Chở nông sản chạy đường dài, hầu hết dân buôn chọn xe tải cỡ lớn vì tính tấn ăn tiền. "Cõng càng được nhiều hàng thì càng được nhiều tiền nên mỗi xe thường chở gấp 3 lần trọng tải. Xe 10 tấn thì “cõng” 30 - 35 tấn hàng, xe 8 tấn thì “cõng” 24 - 25 tấn hàng", anh Nam cho biết. Giá cước vận chuyển nông sản về đến Bắc Ninh từ bãi xe hàng Tài là 220.000 đồng/tấn. Nhẩm tính trung bình một chuyến hàng 30 tấn, thương lái mất 10 triệu đồng gồm cả chi phí vận chuyển 6,6 triệu đồng và các khoản phí khác 3-4 triệu đồng như phí chi trả cho đội “cò” xe, phí hải quan nhập khẩu, phí đường bộ…
Trong khi đó, theo dữ liệu của các cơ quan hải quan, mức giá nhập khẩu các mặt hàng nông sản Trung Quốc trong vòng 5 tháng đầu năm nay khá rẻ. Cụ thể, khoai tây khoảng 3.700 đồng/kg, hành củ khô, cà rốt, hành tây khoảng 3.500 - 3.700 đồng/kg, gừng khoảng 3.800 đồng/kg, tỏi 6.000 đồng/kg… Mức giá này đã bao gồm phí bảo hiểm, cước vận chuyển về đến cảng, cửa khẩu ở Việt Nam. Nếu mặt hàng nông sản có C/O form E (giấy chứng nhận xuất xứ hàng nhập từ Trung Quốc) thì thuế nhập khẩu là 0%, chưa kể rau củ quả là mặt hàng không chịu thuế VAT.
Về tới trạm trung chuyển, sau khi được phân loại tùy theo mẫu mã xấu đẹp, nông sản Trung Quốc được các chủ hộ kinh doanh đội giá gấp nhiều lần rồi bán lại cho lái buôn nhập hàng tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở Hà Nội và theo xe đi các tỉnh. “Trừ hết các khoản phí, mỗi ký chỉ cần chênh lệch 4 - 5 giá là chủ hàng đã thu được 140 - 150 triệu đồng/chuyến. Chưa kể vào những thời điểm thuận lợi, giá nông sản nhập từ Trung Quốc xuống giá, sẵn vốn trong tay, các nhà buôn đua nhau tích trữ gom hàng, đợi đến khi lên giá, bán ra thu lợi nhuận khổng lồ”, anh Nam tiết lộ.
Ông Nguyễn Văn Cương, Chủ tịch UBND P.Võ Cường, cho biết trước đây dân Hòa Đình chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, trồng rau thu hoạch để bán. Từ những năm 1996-1997, nhiều hộ trong vùng bắt đầu thu mua nông sản ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Giang rồi phân phối cho các lái buôn ở nơi khác…
Thấy cơ hội kinh doanh thuận lợi, nhiều chủ cơ sở bỏ vốn, nhập nông sản Trung Quốc và giàu lên nhanh chóng. Hiện nay, trên địa bàn có 20 hộ chuyên kinh doanh mặt hàng nông sản, hình thành nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như Trường Huệ, Xuân Tý, Tiếp Hiện… và các đại lý vừa, nhỏ. Ông Cương khẳng định, vào những thời điểm trái vụ có đến 80 - 90% mặt hàng nông sản tại đây được nhập về từ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh, Lào Cai. Khu vực chợ Hòa Đình và các tuyến phố lân cận được dân buôn biết đến như trạm trung chuyển hàng nông sản Trung Quốc, mỗi ngày có khoảng 200 - 400 tấn hàng được nhập về và vận chuyển tỏa đi khắp nơi tiêu thụ.
Mặc dù vậy, theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Bắc Ninh, qua những lần kiểm tra, 100% các hộ kinh doanh nông sản trên địa bàn đều có giấy chứng nhận kinh doanh, hàng hóa đầy đủ hóa đơn, chứng từ, có chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm… Ông Phạm Ngọc Doanh, Phó chi cục QLTT Bắc Ninh, cho biết 6 tháng đầu năm 2013 phát hiện 3 vụ vận chuyển hàng nông sản Trung Quốc không có giấy tờ hóa đơn chứng từ nguồn gốc sản phẩm, tịch thu 8 tấn tỏi, xử phạt hành chính 8 triệu đồng. Có thể thấy, con số này quá khiêm tốn với thực tế nói trên, đặc biệt với một địa bàn trung chuyển hàng nông sản Trung Quốc có quy mô lớn ở miền Bắc.
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lạng, Đội phó Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn TP.Bắc Ninh - nơi có “phố nông sản Tàu”) cho biết hầu hết các xe chở hàng về ban đêm, đưa thẳng hàng vào kho kín hoặc trung chuyển hàng đi liên tục. Khi tiến hành kiểm tra các cửa hàng trong kho phải có đợt, thông báo cho chủ kinh doanh trước... 3 ngày, mỗi năm chỉ được 1 lần, trừ trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn hàng lậu thì mới kiểm tra bắt quả tang được ngay.