Lúa đầu vụ giảm giá, hàng loạt nông sản khác ở miền Tây cũng ùn ứ vì thiếu đầu ra.
Mới bước vào đầu vụ lúa hè thu 2014, nông dân các tỉnh đồng bằng sông
Cửu Long đã gặt "hạt đắng" vì giá giảm mạnh. Ông Dương Văn Châu ở huyện
Châu Thành (Trà Vinh) cho biết, giá lúa tươi loại thường chỉ còn 3.400-
3.700 đồng một kg, lúa tươi hạt dài ở mức 4.300- 4.400 đồng một kg, giảm
bình quân 100- 200 đồng một kg so với nửa tháng trước.
"Với giá này, sau khi trừ chi phí và công chăm sóc suốt 3 tháng, nông
dân không lời được 30% như Chính phủ đề ra", ông Châu cho biết.
Nông dân miền Tây vẫn chưa thật sự làm giàu từ cây lúa. Ảnh: Trúc Mai
|
Ông Nguyễn Văn Lừa, chủ nông trại gần 3 ha ở xã Kim Hòa (Cầu Ngang, Trà
Vinh) cho rằng, nhiều năm qua người trồng lúa ở miền Tây nói chung, Trà
Vinh nói riêng luôn ở thế bị động, cứ được mùa lại rớt giá. Đây là bất
cập vẫn tồn tại từ năm này sang năm khác.
Không riêng gì cây lúa, hàng loạt nông sản khác cũng rơi vào cảnh thảm
hại vì giá giảm. Hiện nông dân trồng thanh long, dừa khô, măng cụt như
đang ngồi trên lửa vì từ đầu tháng 6 đến nay thanh long ruột đỏ Trà
Vinh, Tiền Giang loại 2 trái một kg chỉ còn ở mức 12.000-14.000 đồng một
kg, trong khi đầu vụ giá từ 34.000-35.000 đồng một kg. Không chỉ giá
giảm, thanh long ruột đỏ còn ế vì thương lái mua rất ít dù quả đạt chất
lượng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Dừa và măng cụt giá cũng bèo bọt. Tại Bến Tre và Trà Vinh, dừa khô từ
110.000 đến 120.000 đồng một chục (tùy theo chục 12 hay 14 trái và tùy
từng vùng) đã giảm xuống còn 60.000-70.000 đồng. Nhiều xã vùng sâu, dừa
khô thương lái chỉ mua với giá 40.000 - 45.000 đồng. Tương tự, giá măng
cụt đầu vụ từ 30.000 đến 40.000 đồng một kg, nay giảm còn 13.000 -15.000
đồng một kg cân tại vườn.
Thanh long ruột đỏ nhiều nơi ế hàng. Ảnh: Trúc Mai
|
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự bấp bênh đầu ra sản phẩm đang
thách thức nông dân và các nhà quản lý trước sự biến thiên của thị
trường. Có ý kiến cho rằng, người nông dân cần phải thay đổi tư duy sản
xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, đón đầu thị trường trong sản xuất để tránh
tình trạng cung vượt cầu dẫn đến rớt giá và xem xét chuyển đổi sản xuất
từ cây lúa sang cây màu ở những vùng đất cây lúa khó bén rễ.
Theo một tiến sĩ nông nghiệp, lâu nay nông dân sản xuất chạy theo phong
trào, trồng cây này cây kia nhưng không ai chỉ nơi tiêu thụ sản phẩm.
Từ đó, nông dân thường bị nghẽn đầu ra khi thu hoạch nông sản dẫn đến
loay hoay với điệp khúc trồng - chặt.