Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc: Lợi và hại

(TBKTSG Online) – Trong những năm qua, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như trái cây, rau quả, cao su, gạo, đường… xuất khẩu qua Trung Quốc đều có số lượng năm sau tăng hơn năm trước. Thị trường này dễ tính và không yêu cầu cao về chất lượng. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào một thị trường trong nhiều trường hợp đã gây rối loạn cho sản xuất trong nước, chưa kể các thủ đoạn ép giá, không thanh toán… gây thiệt hại lớn cho thương nhân và nông dân Việt Nam.

xecontainer

Chất lượng thế nào cũng bán được

Để xuất khẩu qua các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc… sản phẩm trái cây hay các mặt hàng nông sản khác đều phải tuân theo yêu cầu gắt gao của nước sở tại. Thị trường Đài Loan chẳng hạn, chỉ đồng ý mua trái thanh long đã qua chiếu nhiệt, tức là xử lý bằng hơi nóng để loại hết mầm bệnh như sâu đục quả…

Tương tự, Mỹ và Nhật Bản chỉ mở cửa cho trái thanh long Việt Nam với điều kiện nhà sản xuất phải chiếu xạ cho lô hàng. Ở Úc thì phải chấp nhận điều kiện trao đổi “một đổi một”: để bán được thanh long, xoài vào Úc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT) phải cho phép doanh nghiệp Úc xuất khẩu nội tạng trắng của động vật vào Việt Nam, mặt hàng vốn bị cấm nhập từ nhiều năm nay.

Nhưng với thị trường Trung Quốc, các loại trái cây như thanh long, dưa hấu chỉ cần chất hàng lên xe tải và chở thẳng đến các cửa khẩu rồi bán cho các doanh nghiệp bên đó.

Người mua không đòi hỏi cao về phẩm chất, thủ tục lại nhanh gọn… nên thương nhân Việt Nam chuộng bán hàng sang nước láng giềng này, năm sau tăng cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2013 lượng thanh long xuất khẩu qua Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ là 2.600 tấn, trong khi riêng thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ khoảng 70-80% sản lượng thanh long 400.000 tấn/năm của tỉnh Bình Thuận.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), kim ngạch xuất khẩu trái cây, rau quả 4 tháng đầu năm đạt 351 triệu đô la Mỹ, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2013; Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 32% thị phần.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới lượng mủ cao su. Trong năm 2013, trong số hơn 1 triệu tấn cao su mà Việt Nam xuất khẩu, Trung Quốc mua đến 45%. Tương tự, mặt hàng hạt điều, trong 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 456 triệu đô la Mỹ, tăng gần 16% so với cùng kỳ, thì riêng Trung Quốc đã mua đến 20%.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết, một trong những lý do điều Việt Nam tiêu thụ được ở thị trường Trung Quốc với số lượng lớn là do hầu như chất lượng hạt điều như thế nào cũng bán được, kể cả hạt điều vỡ.

Nhưng lại có nhiều cái hại

Cái bất lợi rõ ràng nhất khi bán hàng nông sản qua Trung Quốc là đa phần các mặt hàng đều xuất qua đường tiểu ngạch, luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với thương nhân trong nước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, năm 2013 đã nhập khẩu 2,15 triệu tấn gạo chính ngạch, chưa kể khoảng 1,5 triệu tấn theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng muốn làm ăn với thị trường này bằng con đường tiểu ngạch vì lo ngại giao hàng nhưng không thu được tiền.

Hơn nữa, trong năm qua, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam là 435 đô la Mỹ/tấn, giảm 5% so với năm 2013, một phần là do giá xuất khẩu sang Trung Quốc thấp hơn các thị trường khác nên kéo giá bình quân giảm theo.

Dạo gần đây, hàng trăm lượt xe tải chở dưa hấu của Việt Nam bị kẹt tại các cửa khẩu phía Bắc do phía Trung Quốc ngưng mua nên các chủ hàng phải bán tống với giá rẻ mạt để giải phóng hàng.
Ngay như mặt hàng đường, năm nay, Việt Nam có kế hoạch xuất (bằng tiểu ngạch) chỉ có 200.000 tấn, bằng 10% lượng đường mà Trung Quốc phải nhập để đáp ứng nhu cầu tiêu thị nội địa, nhưng một khi phía Trung Quốc ngừng nhập, doanh nghiệp cũng phải hạ giá mới có thể bán được.
Lâu nay, cao su của Việt Nam bán qua Trung Quốc ở dạng mủ nước hoặc qua sơ chế nên khi cung vượt quá cầu việc xuất khẩu lập tức gặp khó khăn. Để giải quyết khó khăn này, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam – cũng là Chủ tịch Hiệp hội Cao su VRA, đã yêu cầu các công ty thành viên tìm cách nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng cao su, tránh chỉ tập trung xuất khẩu vào một thị trường.

Tuy nhiên, đó là yêu cầu đặt ra còn thực tế vẫn còn là một khoảng cách dài. Bằng chứng, trong ba tháng đầu năm, khi Trung Quốc giảm lượng mua cao su của Việt Nam, giá cao su xuất khẩu đã rớt chỉ còn 2.010 đô la Mỹ/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ.

Một nhân viên ở bộ phận xuất nhẩu khẩu của một công ty có văn phòng ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn cho biết, thực tế, thời gian gần đây phía Trung Quốc thường kiểm tra thủ tục hành chính tại các cửa khẩu, dẫn đến việc đóng cửa khẩu một thời gian mà không có thông báo trước. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều loại nông sản của Việt Nam bị kẹt ở các cửa khẩu.

Do đó, những mặt hàng tươi như dưa hấu, thanh long… dễ bị hư hỏng sau nhiều ngày vận chuyển và chờ đợi ở cửa khẩu nên buộc doanh nghiệp phải bán với giá rẻ mạt nếu không muốn đổ bỏ cả xe hàng.
Theo ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn trái miền Nam, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có cái lợi là dù chất lượng thấp vẫn bán được, nhưng giá cả thường không ổn định. Thêm vào đó, dù khối lượng xuất khẩu nông sản quan Trung Quốc lớn, nhưng tỉ suất lợi nhuận so với xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” khác rất thấp, và trong nhiều trường hợp như dưa hấu vừa qua, cả người nông dân lẫn thương lái đều bị lỗ nặng.

“Tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp có thể bán số lượng lớn nhưng đổi lại phải chấp nhận giá rẻ, thấp hơn nhiều lần nếu mặt hàng này xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc hay Úc”, ông Châu nói.

Bên cạnh đó, theo ông Châu do quá phụ thuộc vào thị trường này nên một khi có vấn đề thông quan ở biên giới, ngay lập tức hàng chục tấn rau, quả sẽ bị kẹt lại, không bán được, phải đổ đi như chuyện dưa hấu vừa qua và đối với nhiều mặt hàng rau, củ quả khác trong thời gian trước đây.

“Để không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cách duy nhất là phải sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGap), có những chương trình quảng bá những loại trái cây đặc sản và phải tìm cách tiếp thị đến các thị trường khác nhau để từng bước xâm nhập các thị trường khác nhau,” ông Châu nói.