Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Không có thương hiệu là thách thức lớn nhất với gạo Việt

“Thương lái đem các loại gạo trộn lẫn nhau rồi bán lại cho doanh nghiệp xuất khẩu thì làm sao có thương hiệu được? Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương mà cụ thể là Cục Xúc tiến thương sao không có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam?”, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp trao đổi với Tổ Quốc.

+ Thưa ông, dư luận đang rất phấn khởi vì Việt Nam vừa giành được hợp đồng xuất khẩu gạo 800.000 nghìn tấn sang Philippines. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc thắng thầu với giá thấp như vậy không có tác động hữu ích gì đối với người nông dân bởi giá lúa thu mua chẳng nhích lên là bao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

GS Võ Tòng Xuân: Hợp đồng xuất khẩu gạo cho Philippines với giá thấp như vậy sẽ khiến cho người nông dân chịu thiệt thòi. Đấu giá thấp như vậy thì phải mua lúa giá thấp là dĩ nhiên. Người nông bán giá thấp là họ than phiền, ca thán. Mà trước đây chưa biết giá bỏ thầu họ đã kêu than rồi!


Đây là cách làm của Tổng Công ty Lương thực Việt Nam từ trước tới nay, luôn luôn muốn trúng thầu bằng cách bỏ giá thấp để giành thị trường tiêu thụ gạo.

Điều này cũng phản ảnh được khả năng của cơ quan này trong việc dự đoán được thị trường.
+ Trong câu chuyện gạo còn có lỗi của người nông dân. Chẳng hạn thị trường không chuộng loại IR50404 do chất lượng không cao nhưng do dễ trồng nên người dân vẫn cấy. Vậy trong trường hợp này vai trò định hướng của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các cấp cơ sở ở đâu mà để tới khi hàng tồn, giá rớt cơ quan chức năng cũng như người dân đều kêu ca phàn nàn?

GS Võ Tòng Xuân: Cơ quan quản lý nhà nước các cấp cũng đã khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng IR50404, nhưng trong thực tế đây là giống lúa dễ trồng nhất, thích nghi rộng, năng suất cao, ngắn ngày. Thương lái vẫn thích mua loại gạo này vì giá thấp mà lại có thể trộn lẫn với giống khác để xuất khẩu cho thị trường cấp thấp.

Nhà nước đã “sinh” ra các hợp tác xã cộng với Tổng Công ty lượng thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood1, Vinafood 2) với mong muốn các tổ chức này hoạt động gắn liền với thông tin thị trường để từ đó giúp các tỉnh, giúp người nông nhưng thông tin từ họ lại quá ít ỏi. 


Không có thương hiệu là thách thức lớn nhất với gạo Việt
+ Là một trong những quốc gia đi đầu về xuất khẩu gạo song thực tế công sức, mồ hôi nước mắt của người nông dân trực tiếp làm ra hạt gạo lại chưa được đền đáp xứng đáng. Từ trước tới nay người nông dân vẫn chỉ tham gia công đoạn thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm và chịu quá nhiều rủi ro. Phải thừa nhận rằng ngành xuất khẩu gạo của chúng ta đang hoạt động một cách bị động, mạnh ai nấy làm, thiếu bài bản. Vậy đâu là nguyên do và trách nhiệm của Vinafood1, Vinafood 2 và Hiệp hội lương thực Việt Nam như thế nào, thưa ông?

GS Võ Tòng Xuân: Trách nhiệm chính của Vinafood1, Vinafood 2 là nắm bắt hoặc đi tìm, hoặc mở thị trường cho gạo Việt Nam. Nhưng cho đến nay, họ không nắm trước những thông tin thị trường gạo để báo cho các công ty con của họ (Công ty lương thực cấp tỉnh) và cho nông dân biết trước để lo tổ chức sản xuất. Lẽ ra họ phải đưa thông tin dự báo thị trường, dựa vào nhu cầu thế giới sắp tới Việt Nam cần trồng loại gạo nào? Số lượng bao nhiêu? Vậy mà họ chỉ ngồi chờ có thương lái quốc tế đến đặt hàng, hoặc chờ nước nào gọi đấu thầu cung cấp gạo mới đi đấu thầu.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng như Vinafood 1, Vinafood 2 đang được trao quá nhiều quyền. Họ đang khống chế mọi thứ. Họ đang để người dân tự bơi, tự sản xuất rồi họ lại không mua…
+ Có ý kiến cho rằng, đang trong giai đoạn tái cấu trúc ngành nông nghiệp thì nên tái cấu trúc Vinafood1, Vinafood 2 thành hai đơn vị chuyên môn. Hai đơn vị này phải có trách nhiệm đi tìm thị trường cho gạo Việt Nam. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

GS Võ Tòng Xuân: Đây là một sang kiến rất hợp thời. Ngành xuất khẩu gạo của nước ta không thể tiến lên nếu Vinafood 1 và Vinafood 2 hoạt động theo kiểu như hiện nay. Họ phải là cơ quan xúc tiến thương mại gồm những chuyên viên sành sỏi thị trường, biết rành ngoại ngữ, có trách nhiệm đi gặp các khách hàng tiềm năng ở Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Trung Đông, Châu Phi...để khám phá hoặc mở thị trường cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Ngoài ra, họ phải thường xuyên tham dự các hội chợ quốc tế.
+ Là người theo sát và tâm huyết với nông nghiệp, theo ông những gì chúng ta đầu tư cho xúc tiến thương mại ngành này đã hợp lý chưa? Nhà nước phải có chính sách kiểm soát ra sao để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân?

GS Võ Tòng Xuân: Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương chưa đem đến hiệu quả xúc tiến thương mại cho mặt hàng gạo của Việt Nam. Cục xúc tiến thương mại cũng không có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu.

Đến nay, phần lớn gạo Việt Nam xuất ra thị trường thế giới đều không có thương hiệu mạnh.
Nông dân trồng giống lúa nào họ cảm thấy “chắc ăn”, vì thế trên đồng ruộng có hàng trăm giống lúa. Sau đó họ bán cho thương lái mua. Thương lái đem các loại gạo trộn lẫn nhau rồi bán lại cho doanh nghiệp xuất khẩu thì làm sao có thương hiệu mạnh?

Vinafood1, 2 và các công ty con của họ tại các tỉnh không chịu xây dựng và chăm sóc vùng nguyên liệu xuất khẩu. Thay vào đó họ để cho nông dân tự lo sản xuất và bị thương lái ép giá, mua đứt bán đoạn. Nông dân thấy hạt lúa mình đi ra với thương lái là hết, không có gì trở lại.

Thật may Đảng đã có Nghị Quyết 26 (về tam nông) chỉ rõ cách tổ chức Công ty Cổ phần nông nghiệp mà cổ đông đông đảo nhất là nông dân. Chỉ tiếc đến nay chưa có bao nhiêu công ty lương thực dám bán cổ phiếu cho nông dân ngoài Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang.

Chúng ta cần thấy rằng tất cả nông dân trồng lúa có thể mua cổ phần của công ty lương thực, nhưng họ không có nhiều tiền. Vì vậy chúng ta cần có thêm chính sách khuyến khích để nông dân mua cổ phiếu bằng lúa hơn là bằng tiền mặt. Và cứ mỗi mùa gặt là nông dân có thể tiếp tục mua cổ phiếu bằng lúa.

Ví dụ, một người nông dân gặt được 5.000 kg lúa, có thể chiết ra 200 kg để mua cổ phiếu, còn 4.800 kg giao cho công ty chế biến luôn. Mùa tới họ có thể chiết ra 300 kg lúa để mua thêm cổ phiếu. Và cứ như thế họ có nhiều cổ phiếu. Hàng năm công ty quyết toán, chia lãi cho nông dân.

Thực hiện Nghị quyết 26, nông dân trở thành chủ của công ty, sẽ hết lòng lo sản xuất cho công ty. Do đó họ không bao giờ bẻ kèo với công ty. Nếu làm được như thế người nông dân sẽ thoát khỏi cảnh nghèo.

+ Xin cám ơn ông!

Quỳnh Anh
Tổ Quốc