Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Năm 2014: Xuất khẩu hướng đến con số 1,3 tỷ USD

Đó là mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang đưa ra tại Hội nghị chuyên đề về xuất khẩu (XK) do UBND tỉnh tổ chức gần đây. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh, để vực dậy được XK cần coi lại thực lực, tiềm năng, cách thức quản ly,́ điều hành của Nhà nước; doanh nghiệp (DN) cũng cần soi rọi lại hoạt động trước những áp lực to lớn của thị trường.
Nhiều thách thức
Dự báo của các chuyên gia cho thấy rằng, tình hình XK của nhiều mặt hàng, nhất là đối với các mặt hàng có lợi thế của Tiền Giang tới đây vẫn còn rất nhiều thách thức. Theo đó, thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh hạ giá của Thái Lan, cạnh tranh XK từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á nên xu hướng giá còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Việt Nam đang cạnh tranh với Thái Lan gạo thơm và gạo trắng chất lượng cao ở châu Phi và nhu cầu từ các thị trường gần, giao hàng nhanh ở Đông Nam Á.
Sản phẩm cá tra phi lê của Việt Nam được dự báo là nhu cầu nhập khẩu tại 2 thị trường chính là Hoa Kỳ và EU vẫn chưa phục hồi do kinh tế của các nước này vẫn chưa ổn định. Bên cạnh đó, rau quả tiếp tục gặp khó khăn tại thị trường châu Âu, do hàng rào phi thuế quan như chất lượng an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do thị trường châu Âu đặt ra.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu trái cây tại thị trường châu Á còn tăng cao, nhất là Hàn Quốc và Nhật, đây cũng là thị trường khó tính, có nhiều hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm trái cây.
Dây chuyền sản xuất Chip LED xuất khẩu của Công ty cổ phần Công nghiệp và thiết bị chiếu sáng Duhal.
Dây chuyền sản xuất Chip LED xuất khẩu của Công ty cổ phần Công nghiệp và thiết bị chiếu sáng Duhal.
Do vậy, đối với các mặt hàng có lợi thế của tỉnh cần có những chiến lược kinh doanh thích hợp. Các chuyên gia đã khuyến cáo rằng, đối với ngành Thủy sản cần khuyến khích các DN đầu tư thêm các dây chuyền có công nghệ chế biến hiện đại; đồng thời tiến tới xây dựng một số nhà máy chế biến sản phẩm thủy sản ăn liền sản xuất theo công nghệ mới như: vò viên, xúc xích, patê, chả, chà bông, đông lạnh chế biến sẵn, bột nêm, đồ hộp, sấy, hấp, hút chân không; đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm như: nướng, sấy, luộc, hấp, mắm đặc, mắm thái, mắm tôm chà, chả, chà bông để XK.
Riêng đối với mặt hàng gạo, cần tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường, dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước để chủ động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương; đồng thời các DN cần duy trì XK chính ngạch sang Trung Quốc, đây là thị trường tiềm năng, góp phần lớn vào KNXK của tỉnh; tích cực tham gia hội chợ hàng nông sản trong và ngoài nước…
Tuy nhiên, năm 2014 cũng được dự báo là một năm thuận lợi cho hoạt động XK da giày nhờ tác động tích cực từ các Hiệp định ưu đãi thuế quan từ các thị trường nhập khẩu chính như EU, Mỹ và ASEAN. Đặc biệt, trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh dệt may, giày dép được xem là mặt hàng sẽ được hưởng lợi nhiều và kỳ vọng gia tăng XK thông qua cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản hay các thị trường tiềm năng mà Việt Nam chưa ký kết các hiệp định thương mại tự do như Canada, Mehico, Peru…
Việt Nam đang đàm phán Hiệp định TPP, đây là cơ hội phát triển ngành may mặc, nhất là thị trường Mỹ, Nhật; tuy nhiên các DN cũng gặp không ít khó khăn, đó là cần phải thực hiện tốt quy tắc xuất xứ, nếu không sẽ tạo thành rào cản, thách thức lớn cho quá trình thực thi hiệp định.

Tìm hướng đi riêng
Chọn hướng đi nào cho phù hợp là điều không đơn giản đối với các DN XK trên địa bàn tỉnh hiện nay. Dưới góc nhìn của người chuyên theo dõi về XK, ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, bước sang năm 2014 vẫn còn nhiều thách thức, các vụ kiện chống bán phá giá, các hàng rào kỹ thuật nhằm vào các sản phẩm của Việt Nam ngày càng gia tăng.
Tuy tình hình trong nước, với sự ổn định của chính sách kinh tế vĩ mô và việc chủ động tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng, đã tạo ra những tiền đề thuận lợi cho XK nhưng nhìn chung sản xuất, XK vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với khối DN trong nước. Do vậy, Tiền Giang cũng cần có những điều chỉnh chính sách XK theo hướng bền vững nhằm tiếp tục đương đầu với những khó khăn.
Theo ông Nguyễn Phú Hòa, trong giai đoạn hiện nay Tiền Giang vẫn phải chấp nhận XK sản phẩm nông sản chưa được chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, XK ồ ạt theo số lượng chưa có thương hiệu, chấp nhận làm gia công giá rẻ để tăng kim ngạch, giải quyết việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, Tiền Giang phải khẩn trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm XK, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, gắn kết vùng nguyên liệu với chế biến XK, phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao hơn nữa việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và đảm bảo cho người lao động có cuộc sống tốt.
Về góc độ quản lý ngành Nông nghiệp, ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu lớn cho XK, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 về kinh doanh XK gạo theo hướng là thương nhân XK gạo phải có vùng nguyên liệu thông qua ký hợp đồng với đại diện nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác); các bộ, ngành cần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, gắn kết với chủ trương xây dựng Bộ tiêu chí lúa XK và sản xuất từ 3-5 giống lúa/vùng.
Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về Quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra, là cơ sở pháp lý để từng bước khắc phục 2 tồn tại chủ yếu của ngành hàng này đó là thiếu sự gắn kết hài hòa lợi ích của các tổ chức, cá nhân và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN chế biến XK dẫn đến giá cả và chất lượng cá XK ngày càng giảm.
Bên cạnh đó, các thông tư liên bộ cũng cần sớm được ban hành để hỗ trợ địa phương trong triển khai thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và Nghị định 210 về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đánh giá về tình hình XK những năm gần đây, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng mặc dù KNXK tăng ở mức khá nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, là do XK tăng chủ yếu theo chiều rộng, nhiều nhóm ngành có lợi thế của Tiền Giang lại giảm; khối DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh trong khi nhóm DN nhà nước lại giảm.
Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới cần có những giải pháp vực dậy XK của Tiền Giang; đồng thời các DN tham gia XK trên địa bàn tỉnh phải nắm được các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các nước nhằm khai thác được các ưu đãi, ưu tiên; các sở, ngành cần chủ động quy hoạch các ngành hàng XK theo chiều sâu trước khi tính đến việc xây dựng thương hiệu, kể cả thương hiệu cộng đồng; phấn đấu năm 2014 KNXK toàn tỉnh đạt 1,3 tỷ USD...
THẾ ANH