Những mặt hàng chính như gạo, cao su, chè, sắn và các sản phẩm sắn… đã có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gạo, cao su giảm mạnh
Cụ
thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kim ngạch
xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014, trong số
ngành hàng có sự sụt giảm cả về giá trị và sản lượng xuất khẩu sụt giảm
mạnh nhất là ngành hàng cao su và lúa gao.
Xuất
khẩu cao su đã giảm 10% về khối lượng và giảm 32,3% về giá trị so với
cùng kỳ năm 2013. Theo đó, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng
Bảy chỉ đạt khoảng 103 nghìn tấn với giá trị 175 triệu USD, với ước tính
này 7 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cao su đạt 451 nghìn tấn với giá trị
đạt 828 triệu USD.
Xuất khẩu lúa gạo cũng trên đà
sụt giảm từ đầu năm tới nay, giảm 7,9% về khối lượng và giảm 4,8% về giá
trị so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng
Bảy ước đạt 606 nghìn tấn với giá trị 278 triệu USD đưa khối lượng xuất
khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2014 ước đạt 3,86 triệu tấn và 1,75 tỷ USD.
Xuất
khẩu gạo giảm sút ở hầu hết các thị trường, nhất là thị trường châu Phi
trong khi Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt
Nam, chiếm thị phần 39,11% và thay vì nắm thế chủ động với thị trường
Trung Quốc vì thực tế Trung Quốc cần Việt Nam hơn do nhu cầu cho hơn 1,4
tỷ dân nhưng hiện xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam cũng phụ thuộc hoàn
toàn vào thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu giảm 7,9% về khối lượng và giảm 4,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. |
GS
Võ Tòng Xuân – chuyên gia Nông nghiệp từng phân tích, nguyên nhân do
phần lớn Việt Nam xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, chất lượng gạo còn
thấp nên việc xuất khẩu ra nước ngoài khó khăn hơn. Trong khi, Trung
Quốc sẵn sàng thu mua mọi sản phẩm mà không cần chú ý nhiều về chất
lượng.
Vấn đề quan trọng nữa là chưa có những chiến
lược phát triển bền vững, thiếu liên kết sản xuất và yếu kém trong công
nghệ chế biến sau thu hoạch.
Trái đắng vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc?
Thực
tế, việc xuất khẩu gạo, cao su sẽ sụt giảm đã được cảnh báo từ lâu với
nhiều lý do mà các chuyên gia kinh tế từng chỉ ra trong đó nguyên nhân
là vì Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, với cách thu mua
dễ dãi, không đòi hỏi chất lượng của thương lái Trung Quốc, các doanh
nghiệp Việt Nam lười biếng trong cách tổ chức sản xuất và tìm kiếm thị
trường.
PGS TS Nguyễn Văn Nam phân tích, các
thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua sản phẩm thô của Việt Nam về tái chế,
chế biến để nâng cao giá trị rồi kiếm lời. Gạo Việt Nam nhiều, Trung
Quốc có nhu cầu, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cứ thế mang đi
bán, không thiết lập được chuỗi giá trị, thiết lập được bạn hàng chiến
lược.
"Tương tự, cao su, cà phê... cũng đều ở dạng
sơ chế nên chỉ còn cách bán đổ bán tháo cho thị trường Trung Quốc, vốn
dễ tính và có sức mua lớn", PGS TS Nguyễn Văn Nam nói.
PGS
TS Nguyễn Văn Nam cũng thông tin, Trung Quốc chiếm hơn 40% thị trường
xuất khẩu gạo của Việt Nam, 60% thị trường xuất khẩu cao su, 70% thị
trường xuất khẩu thanh long... Theo đó, khi đã nắm thị phần cao, gần như
độc quyền tiêu thụ họ sẽ hạ giá sản phẩm, đặt điều kiện cho Việt Nam và
lúc ấy họ được quyền kén cá chọn canh, không mua thì chúng ta chết.
Đồng
quan điểm, GS Võ Tòng Xuân cũng cho biết, vì chủ trương xuất khẩu gạo
giá rẻ nên tất cả mọi người làm giá rẻ, những người làm gạo chất lượng
cao giá tốt sẽ bị ra rìa hoặc tước đi quyền nọ, quyền kia. Nhà nước tập
trung sản xuất gạo giá rẻ, xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khi Trung
Quốc không mua, xuất khẩu gạo của Việt Nam lại chới với.
Trước
thực tế này, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, Việt Nam đang chịu
sức ép lớn về tiêu thụ gạo từ nay đến cuối năm khi Indonesia chưa có dấu
hiệu sẽ nhập khẩu, các thị trường còn lại tiếp tục bị gạo Thái cạnh
tranh gay gắt.
Ông Trần Thanh Hải Cục phó Cục Xuất
nhập khẩu (Bộ Công Thương) sốt sắng: "Hiện nay gần như xuất khẩu gạo của
ta phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Xu hướng giá gạo sắp tới sẽ phụ
thuộc vào sự biến động giá đối với thị trường Trung Quốc, nhất là xuất
khẩu qua biên giới nhưng có nhiều rủi ro”.