(Chinhphu.vn) - Nhiều DN Nhật Bản mong muốn được hợp tác, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam.
Tại buổi hội thảo trao đổi ý
kiến giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Nhật Bản trong phát triển ngành
công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam, các DN Nhật Bản mong muốn được đưa
kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam, nhằm kết
hợp với lợi thế phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam; qua đó đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản
tại Việt Nam.
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều
hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM khẳng định
DN Nhật Bản nhận thấy nhiều cơ hội từ sự hợp tác này.
Theo JETRO, thời gian gần đây, nhiều
doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang hướng sự chú ý vào lĩnh vực nông nghiệp
của Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã tìm đến Bình Định để tìm kiếm
cơ hội để phát triển lĩnh vực đánh bắt, chế biến cá ngừ. Một số đoàn
doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nơi
có nhiều tiềm năng trong phát triển các mặt hàng nông, thủy sản, như
trái cây, tôm cá… để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Giám đốc JETRO tin tưởng sự hợp tác
trong lĩnh vực nông nghiệp giữa doanh nghiệp 2 nước sẽ làm nâng cao được
giá trị hàng nông sản của Việt Nam, qua đó Việt Nam sẽ có những sản
phẩm nông sản có thương hiệu lớn trên thị trường quốc tế.
Theo Bộ NNPTNT, hàng hóa nông lâm thủy
sản Việt Nam đã có mặt trên hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên
thế giới. Xuất khẩu nông lâm, thủy sản của Việt Nam trong thời gian qua
có mức tăng trưởng ấn tượng. Nếu năm 2005, kim ngạch xuất khẩu một số
ngành hàng chủ yếu (gạo, chè, cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, điều,
thủy sản, gỗ) là 8,1 tỷ USD thì đến năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD, tăng 3,4
lần.
Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm nông, thủy
sản hầu như đều ở dạng sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu còn thấp nên giá trị
xuất khẩu chưa cao và khó tiếp cận được những thị trường khó tính.
Để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản tiếp cận những thị trường khó tính, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục
trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT) cho
biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hành động phát triển
ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản thuộc Chiến lược công nghiệp
hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam -Nhật Bản hướng đến
năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia
cung cấp tin cậy về các sản phẩm nông, thủy sản và thực phẩm an toàn với
chất lượng cao. Trong đó, những mặt hàng tiêu biểu được lựa chọn cho kế
hoạch hợp tác và phát triển ngành nông nghiệp giữa Việt Nam - Nhật Bản
là cao su, cà phê, chè, tôm, rau quả.
Những mặt hàng trên thông qua vai trò
của doanh nghiệp trong việc kết nối giữa sản xuất với thị trường sẽ được
tổ chức sản xuất nguyên liệu theo từng nhóm hộ nông dân, khuyến khích
thành lập các hợp tác xã nông nghiệp (liên kết ngang); thể chế hóa liên
kết giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân thông qua việc ký kết hợp
đồng thu mua sản phẩm (liên kết dọc). Từ đó bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn
định về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy liên doanh trong lĩnh vực chế biến giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản sẽ giúp các sản phẩm nông, thủy sản nâng cao hàm lượng giá trị sau chế biến.