Muốn không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, câu trả lời là phải đa dạng hóa thị trường, nhất là phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường “ngách” nhằm tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp “chất lượng cao”.
Theo Bộ NN&PTNT, dù nông sản Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 thị trường trên thế giới nhưng các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản, nhất là tại các thị trường lớn. Ví như, hàng nông sản Việt Nam chỉ từ 1-3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản; với Hàn Quốc cũng ở mức dưới 5%.
Ngược lại, xuất khẩu nông nghiệp đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Một chuyên gia nêu nguyên nhân, thị trường Trung Quốc dễ tính và không yêu cầu cao về chất lượng, thủ tục lại nhanh gọn, vận chuyển gần chủ yếu bằng đường bộ... nên thương lái nước ta rất chuộng bán hàng sang thị trường này. Tính trung bình, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản xuất qua Trung Quốc chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước. Đơn cử, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, năm 2013 nhập khẩu 2,15 triệu tấn gạo chính ngạch, chưa kể khoảng 1,5 triệu tấn theo đường tiểu ngạch.
Còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), kim ngạch xuất khẩu trái cây, rau quả 4 tháng đầu năm 2014 đạt 351 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 32% thị phần. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới lượng mủ cao su. Năm 2013, trong số hơn 1 triệu tấn cao su mà Việt Nam xuất khẩu, Trung Quốc mua đến 45%. Tương tự, trong 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 456 triệu USD hạt điều, thì riêng Trung Quốc mua đến 20%.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có cái lợi là dù chất lượng thấp vẫn bán được, nhưng giá cả thường không ổn định. Thêm vào đó, dù khối lượng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc lớn, nhưng tỉ suất lợi nhuận so với xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” khác rất thấp... Do quá phụ thuộc vào độ “nóng lạnh” của thị trường Trung Quốc nên hàng nông sản Việt Nam dễ bị tổn thương. Chỉ một quyết định nhỏ, hành động nhỏ của phía Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến nông dân Việt Nam.
Sự việc hàng chục tấn dưa hấu bị kẹt tại biên giới Việt - Trung thời gian qua là một ví dụ. Và cũng nhiều lần khác, nhiều tấn rau quả cũng phải bị đổ bỏ vì sự “đỏng đảnh” của thị trường vốn được coi là “dễ tính” kia. Chưa kể đến những nguy cơ kiểu như “hàng đi tiền không trở lại” do hàng nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Muốn không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, câu trả lời là phải đa dạng hóa thị trường, nhất là phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường “ngách” nhằm tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp “chất lượng cao”. Và muốn thâm nhập các thị trường “khó tính” thì cốt yếu phải tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch. Nhà nông Việt Nam phải sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGap). Thêm nữa, cần tăng giá trị gia tăng (GTGT) cho những mặt hàng nông sản chủ lực của nước nhà như gạo, ngô, cà phê, chè… những mặt hàng mà chúng ta có năng suất cao hàng đầu thế giới.
Theo Bộ NN&PTNT, sắp tới ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức quảng bá sản phẩm theo hướng tăng dần tỷ trọng các mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến ở phân khúc GTGT cao sang các thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Hàng nông lâm thủy sản Việt Nam sẽ phải đến với từng nhà phân phối lớn, hệ thống siêu thị, người tiêu dùng các nước... Có như vậy, những sản phẩm mà người nông dân phải “một nắng hai sương” làm ra mới tìm lại giá trị đích thực, mang “hương vị Việt” đến khắp năm châu bốn biển!