Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Xuất khẩu nông sản cao, nông dân vẫn nghèo

Số liệu Bộ Công thương, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản đạt 27,5 tỷ USD, tăng 9,7%, trong đó, nông sản ước đạt 15,65 tỷ USD, tương đương năm 2011. Đưa ra con số này để thấy, ngành nông lâm thủy sản vẫn luôn là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò chủ đạo của nền kinh của Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là, trực tiếp làm ra các sản phẩm nông nghiệp thế nhưng cuộc sống của người nông dân vẫn bấp bênh. Họ luôn là đối tượng chịu thiệt thòi khi chính sản phẩm họ làm ra với bao công sức, tiền của, nhưng giá bán ra lại rẻ như bèo.
 
Những ngày qua, dư luận xôn xao vì nông dân nhiều địa phương lên tiếng về thực trạng giá thịt lợn bị xuống thấp dưới giá thành sản xuất, khiến nhiều hộ gia đình lỗ nặng. Ở Đồng Nai, theo phản ảnh của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh, nhiều người nuôi lợn phải chịu lỗ trung bình 300.000 – 400.000 đồng/ con lợn. Giá lợn thấp khiến hầu hết người nuôi lợn bạc mặt vì tay trắng.
 
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, có một thực tế là, người nông dân hiện nay rất ít kênh để nắm bắt được thông tin thị trường. Vì vậy họ đành phải chấp nhận giá cả do thương lái đưa ra. Nếu người nông dân được cung cấp đầy đủ thông tin về giá đầu ra, đầu vào một cách kịp thời, họ sẽ chủ động hơn, tránh tình trạng giá bán sản phẩm phụ thuộc người mua. Việc này, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tổ chức sàn giao dịch, hỗ trợ thông qua hiệp hội sản xuất ngành để gắn kết toàn bộ chuỗi bán hàng đó lại với nhau.
Đối với người nông dân trồng rau ở Đông Anh, Hà Nội, tình cảnh cũng bi đát không kém. Trên nhiều cánh đồng rau ở xã Vân Nội, người ta chứng kiến cảnh su hào, cải bắp nằm la liệt, nông dân không muốn thu hoạch. Lý do là bởi, giá rau đã xuống quá thấp. Chị Vân Chi, một nông dân cho hay, thương lái họ giả rẻ mạt lắm, chỉ 200 – 300 đồng/ củ su hào, củ nào to chút thì trả 400 đồng/ củ là "kịch kim”. "Giá như vậy, nông dân chịu sao nổi, vì chi phí bỏ ra để mua phân bón, phục vụ tưới tiêu cũng đã quá rồi”.
 
Thực tế này đã diễn ra như chuyện "cơm bữa” song, lâu nay vẫn không có một giải pháp nào thực sự hữu hiệu để người nông dân thoát khỏi thực trạng này. Họ vẫn phải sống trong cảnh "được mùa thì no, mất mùa thì đói”, chứ không mơ đến chuyện họ có thể làm giàu từ con lợn, con gà, câu rau, cây lúa. Đây là một thiệt thòi của người nông dân khi mà công sức họ bỏ ra hoàn toàn tỷ lệ nghịch với những gì họ thu được. Bởi trên thực tế, những sản phẩm nông nghiệp khi đến tay người tiêu dùng lại có giá rất cao.
 
Bị động trong chào giá
 
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, trong chuỗi giá trị nông sản, bao gồm các khâu: Sản xuất - thu mua - sơ chế - tiêu thụ thì, lợi nhuận thu được ở công đoạn sản xuất là thấp nhất và lợi nhuận tại khâu tiêu thụ là cao nhất. Đây chính là nguyên nhân khiến rất ít nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất nông sản mà chỉ tập trung cho thu mua và thương mại. Và người nông dân – chính là người ở khâu sản xuất – đang là đối tượng được hưởng lợi ít nhất trong chuỗi giá trị này. 
 
Bởi vậy, phải nâng được giá trị của khâu sản xuất, giảm bớt khâu thu mua, không phải qua khâu trung gian thương lái… Tuy nhiên, đây lại là vấn đề rất khó khăn, bởi theo ông Dương Nghĩa Quốc – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, chúng ta đang sản xuất ở tình trạng nhỏ lẻ, người nông dân vẫn tự sản xuất theo kiểu manh mún, không có sự liên kết, không có quy hoạch, quy mô. Và chính sự manh mún ấy đã khiến người nông dân bị phụ thuộc vào khâu trung gian – thương lái. Thành ra, sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng có giá rất cao, nhưng giá trị thực từ khâu sản xuất lại rất thấp. "Chung quy lại, cả người nông dân và người tiêu dùng đều thiệt thòi. Chỉ khâu trung gian là hưởng lợi. Đây có lẽ là vấn đề bế tắc nhất hiện nay của ngành kinh tế nông nghiệp” – ông Nghĩa nhận định.
 
Còn ông Lê Quang Thành, Giám đốc Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương bày tỏ, tại sao người nông dân cứ kêu giá đầu vào cao, đầu ra thấp, là bởi chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu quá nhiều thứ phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu… Tất cả những thứ đó là những phụ phí đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao. "Người nông dân đang chịu thiệt thòi vì giá đầu vào cao, nhưng DN sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng không sung sướng gì” – ông Thành trăn trở.
 
Như vậy, có thể thấy, còn tồn tại quá nhiều bất cập trong ngành kinh tế nông nghiệp hiện nay, mà theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, rất cần phải có những cải thiện về chính sách, thể chế để làm sao khâu sản xuất của người nông dân được chú trọng hơn. Bởi vậy, ông Tuấn cho rằng: "Tiến tới phải kết nối ngành hàng để tạo được các hợp đồng thu mua nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân, kết hợp với phát triển vùng nguyên liệu với cụm chế biến công nghiệp hạt nhân trong vùng đó. Có như vậy, người nông dân mới hết cảnh nơm nớp lo đầu ra, để rồi lại bị thương lái ép giá”.
 
Tác giả bài viết: Nông sản Việt Tuấn