Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Khống chế chiêu bài thu mua nông sản của thương lái

Bằng việc mở tài khoản, đặt cọc ở ngân hàng nào đó trên đất nước Việt Nam, tỷ lệ rủi ro của bà con nông dân sẽ không có.




Trong khi tình hình biển Đông đang căng thẳng, nhiều người dân lo ngại thương lái Trung Quốc sẽ tiếp tục chiêu bài săn lùng mua một số mặt hàng nông sản tại Việt Nam, đặc biệt lúc đẩy giá nông sản lên trời, có lúc lại ngoảnh mặt làm ngơ không thu mua khiến giá tuột dốc. Vì vậy, chúng ta cần phải có những biện pháp để giảm thiệt hại cho người nông dân từ chiêu bài này.

Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, dùng từ chuẩn phải gọi đây là doanh nhân người Trung Quốc vào Việt Nam thực hiện thu gom nông sản, hải sản.

Ông Kiên cho biết, theo khảo sát của Bộ Công Thương thì đa phần doanh nhân người Trung Quốc không thu mua trực tiếp nông sản mà họ thu mua thông qua các đại lý, DN tư nhân của Việt Nam. Qua hiện tượng này có thể thấy, bà con nông dân, các DN tư nhân, công ty TNHH một thành viên, kinh tế hộ gia đình của chúng ta đã không thực hiện đúng yêu cầu tối thiểu của nền kinh tế thị trường trong buôn bán, mà ở đây là buôn bán đối ngoại, xuất nhập khẩu.

Theo tôi, nếu các DN của Việt Nam khi buôn bán đều thông qua ký kết hợp đồng và yêu cầu đối tác Trung Quốc phải mở tài khoản, đặt cọc ở ngân hàng nào đó trên đất nước Việt Nam thì tỷ lệ rủi ro của bà con nông dân sẽ không có.

“Ở đây cũng có phần trách nhiệm từ các cơ quan quản lý. Song cũng phải nhìn nhận, lợi nhuận quá cao so với bán trong nước nên một số DN người Việt lợi dụng niềm tin của bà con nông dân, mua trả chậm để gom về bán cho tư thương Trung Quốc mới xảy ra tình trạng thua lỗ như vậy” – ông Kiên lưu ý.

Theo ông Kiên, với những DN Trung Quốc sang đây mở chi nhánh hoạt động sản xuất kinh doanh thì Luật DN đã có đầy đủ các chế tài để kiểm soát. Còn với việc họ sang Việt Nam bằng visa du lịch mà họ làm sai chứng tỏ công tác xuất nhập cảnh, hộ tịch hộ khẩu của chúng còn nhiều bất cập. Có thể chúng ta cũng đã đổi mới công tác quản lý hành chính cho phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế, nhưng nền kinh tế của chúng ta thay đổi quá nhanh mà nền quản lý hành chính không theo kịp.

"Chính vì vậy, có nhiều người nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà không được cấp giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước. Trách nhiệm ở đây thuộc về Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội", ông Kiên cho biết./.