Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Con đường đưa Việt Nam trở thành cường quốc về nông sản

Từ một nước thường xuyên thiếu đói sau chiến tranh, hơn thập niên qua Việt Nam đã trở thành nước có tiếng về một số nông sản. Con đường nào đã đưa Việt Nam tới thành công hôm nay và nước ta phải làm gì để trở thành một cường quốc về nông sản?

Thành tựu của ngành nông nghiệp Việt Nam

Trong những năm tháng khó khăn của thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã phấn đấu vượt qua khó khăn đi tiên phong trong công cuộc Đổi mới của đất nước. 29 năm qua nông nghiệp và nông thôn liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện.

Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt trên 18 tỷ USD, đưa nước ta thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn trên thế giới với nhiểu sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, thủy sản, các loại lâm sản. Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có sức cạnh tranh cao, chiếm được vị thế quan trọng trên thị trường thế giới như: hạt điều, hạt tiêu có giá trị xuất khẩu cao nhất thế giới và được đánh giá cao về chất lượng; gạo, cà phê đứng thứ hai, cao su đứng thứ 4, thủy sản đứng thứ 5, chè đứng thứ 7…

Sự phát triển của nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, phát triển nông thôn, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế-xã hội trong nước, đưa Việt Nam đến đích sớm nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ. Những thành tựu trêngóp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nổi bật là những thành tựu trong việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, xuất khẩu nông sản với một số mặt hàng có vị thế cao trên thị trường quốc tế.

Con đường dẫn tới thành công

Để có được thành quả như ngày hôm nay toàn ngành nông nghiệp đã không ngừng nỗ lực. Các nghiên cứu của quốc tế đã chứng tỏ, trong điều kiện hạn hẹp về vốn đầu tư, xuất phát điểm rất thấp, cạnh tranh quốc tế quyết liệt, diễn biến thiên tai phức tạp, chính hệ thống chính sách hợp lý của ngành nông nghiệp đã tạo ra động lực thúc đẩy nông dân và người buôn bán nỗ lực sản xuất kinh doanh,phát triển, kịp thời thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn.

Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo

Bên cạnh đó Việt Nam đã biết nắm bắt cơ hội và tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa tạo ra một cú hích lớn đối với sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế - chính trị quốc tế và khu vực như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Khi tham gia vào thị trường thế giới, nông nghiệp phải chịu những sức ép từ hàng nông sản nhập khẩu. Chấp nhận cạnh tranh giữa các mặt hàng nông sản Việt Nam và hàng nhập khẩu là một thách thức lớn đối với những nhà sản xuất nông nghiệp trong nước nhưng đã trở thành một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển theo chiều sâu của nông nghiệp nước nhà.

Định hướng phát triển trong tương lai

Mặc dù chúng ta là cường quốc trong xuất khẩu một số nông sản và tiềm năng phát triển của chúng ta còn rất lớn, nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu kém như tình trạng sản xuất thừa sản phẩm so với khả năng phát triển thị trường; đời sống của người nông dân còn bấp bênh; chưa khai thác hiệu quả tài nguyên vốn, đất đai, khoa học công nghệ của toàn xã hội hỗ trợ cho nông nghiệp; và thiếu một chiến lược dài hạn để xây dựng thương hiệu và củng cố chỗ đứng cho các mặt hàng nông sản chiến lược của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Việt Nam cũng có thế mạnh về xuất khẩu cà phê

Nhìn nhận rõ những điểm còn thiếu sót hiện nay, chính phủ Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp với quan điểm: Chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả bằng giá trị và lợi nhuận. Mục tiêu của tái cơ cấu là kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường đảm  bảo phát triển bền vững. Theo đó, nông dân và DN giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình SX, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả SX kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn... Việc tái cơ cấu sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt nhất lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; phát triển các mặt hàng nông sản có thế mạnh cạnh tranh trên thế giới như cà phê, cao su, lúa gạo, cá da trơn, tôm, hạt điều, hải sản, rau quả, đồ gỗ...; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn; mở rộnghình thức trang trại, gia trại, kinh tế hợp tác, KCN công nghệ cao...; tăng cường kết nối giữa SX với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Nếu chương trình tái cơ cấu nông nghiệp cũng triển khai tốt như quá trình “phá rào” đổi mới chính sách 30 năm trước đây thì chắc chắn trong thời gian tới ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ xuất hiện những bước chuyển mình mạnh mẽ để nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về sản lượng, giá trị và thương hiệu các sản phẩm nông sản.

Nguyên An
(Dân trí)